Cầu nối doanh nghiệp và tổ chức tín dụng
LSO-Nhằm hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, ngày 14/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-UBND về thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ hoạt động với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành |
Ra đời đúng lúc
Trong những năm gần đây, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dao động quanh con số 1.500. Tính đến tháng 11/2014, trên địa bàn tỉnh có 1.650 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động địa phương. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với các DNNVV rất khó khăn do không đủ tài sản thế chấp. Thực tế, không ít doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên đành hoạt động cầm chừng, mất cơ hội phát triển. Nghiêm trọng hơn là nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Từ năm 2013 đến hết quý II năm 2014, toàn tỉnh có hơn 500 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản. Cùng với đó, một số dự án sản xuất mới, nâng công suất dự kiến đầu tư của doanh nghiệp do khó khăn về vốn đã bị tạm ngừng hoặc không thể triển khai thêm, không phát huy được hiệu quả như một số dự án thủy điện đã và đang được triển khai trên địa bàn một số huyện.
Từ thực trạng trên, ngày 14/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-UBND, thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ hoạt động với nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận, tự bù đắp chi phí, tự chịu rủi ro, bảo toàn và phát triển vốn. Hiện tại, tổng nguồn vốn của Quỹ là 38 tỷ đồng, Quỹ sẽ thực hiện bảo lãnh được cho tổng số vốn tín dụng là 190 tỷ đồng và theo như điều kiện cấp bảo lãnh thì hiện tại mỗi doanh nghiệp được bảo lãnh vay tối đa là 4,7 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ông Lê Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản Thịnh Lộc – Shinec, Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Bản thân doanh nghiệp cũng như một số doanh nghiệp hội viên khác trên địa bàn huyện đã vướng mắc trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, nguyên nhân chính là thiếu tài sản thế chấp từ năm 2012 đến nay nên khi biết tỉnh thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, tôi cũng như lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện rất phấn khởi. Vừa qua, công ty đã hoàn thành hồ sơ và các thủ tục cần thiết để trình lên ban thẩm định của Quỹ. Quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục chưa có vướng mắc gì, công ty đang rất hy vọng nhận được sự bảo lãnh của Quỹ. Qua đó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.
Vì sự phát triển của doanh nghiệp
Để Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả, tạo sự thuận lợi và vì sự phát triển của doanh nghiệp thì cần có một cơ chế hoạt động công khai, minh bạch, công bằng và phù hợp với tình hình thực tế. Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội DNNVV Lạng Sơn cho biết: Hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp hiểu đúng thực chất về hoạt động chủ yếu của Quỹ là phát hành các chứng thư bảo lãnh, cam kết với các tổ chức tín dụng để cho vay đối với các doanh nghiệp khi được xác nhận là có phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng thanh toán khoản vay chứ không phải là việc cho vay như các tổ chức tín dụng khác. Như vậy, thực tế chỉ có các doanh nghiệp quá khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay khi các tổ chức tín dụng trả lời do thiếu tài sản thế chấp hoặc bảo đảm thì mới cần đến sự hỗ trợ của Quỹ. Cùng với đó, Quỹ còn có mặt tích cực được thể hiện ở điểm, các thành viên góp vốn cho Quỹ cũng được ưu tiên để bảo lãnh và nhận bảo lãnh cho mình và các đơn vị trong hiệp hội của mình hoặc các đối tượng khác có liên quan. Đặc biệt, Quỹ cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ và có sử dụng nhiều lao động nữ, các doanh nghiệp có chủ là người dân tộc thiểu số và sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phù hợp với tính chất của một tỉnh miền núi với đa số là người dân tộc thiểu số như Lạng Sơn.
Hiện tại, Quỹ đã tiếp nhận 4 hồ sơ xin bảo lãnh từ các doanh nghiệp. Ngoài ra, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp, hiện có hơn 10 doanh nghiệp đang có nhu cầu bảo lãnh và đang tiến hành làm hồ sơ. Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, Quỹ Bảo lãnh tín dụng đang xây dựng phương án phối hợp hoạt động với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đó, tới đây, khi các tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đã đáp ứng được các yếu cầu như phương án kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn… chỉ còn thiếu tài sản thế chấp thì sẽ hướng dẫn doanh nghiệp qua Quỹ tín dụng, đồng thời gửi kèm công văn đánh giá về hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp để Quỹ xem xét bảo lãnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()