Cầu lông: Môn thể thao cô độc nhất hành tinh?
Hình ảnh Nguyễn Thùy Linh thui thủi một mình tại China Open 2023 khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam chạnh lòng. Thế nhưng, cầu lông trong thực tế luôn là một trong những môn thể thao cô độc nhất hành tinh. Không riêng gì Nguyễn Thùy Linh, nhiều tay vợt khác trên thế giới cũng phải tự lo cho bản thân khi ra nước ngoài thi đấu.
Câu chuyện chung của cầu lông
Cầu lông không phải môn thể thao đắt đỏ với cộng đồng. Chi phí cho một người bình thường bắt đầu đánh cầu lông rất thấp. Từ quần áo, giày cho đến vợt và quả cầu, tất cả đều có bán với giá bình dân trên thị trường. Ngay cả giá thuê sân cầu lông ở trung tâm thành phố lớn cũng thấp hơn nhiều so với sân bóng đá hay sân quần vợt.
Thế nhưng, đó là chuyện của thể thao cộng đồng, phong trào. Khi tiến lên chuyên nghiệp và muốn tiến xa trong sự nghiệp, các vận động viên cầu lông – đặc biệt ở các quốc gia không phát triển mạnh môn thể thao này như Việt Nam – đều phải đánh đổi rất nhiều. Vấn đề ở đây không còn là tiền trang phục, dụng cụ thi đấu. Những món đồ này sẽ có nhà tài trợ lo cho vận động viên khi họ đạt đến mức độ nào đó.
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh một mình dự giải China Open 2023.
Vấn đề lớn nhất với các tay vợt đỉnh cao là chi phí đi lại, ăn ở khi thi đấu xa nhà. Thông thường, các vận động viên cầu lông đều có ít nhất một huấn luyện viên đi cùng. Một số tay vợt “giàu có” sẽ mang theo cả săn sóc viên, những người giúp họ hồi phục cơ bắp, thể lực ngay trên sân đấu. Nhưng với hầu hết các vận động viên trên thế giới, những trải nghiệm này chỉ đến khi họ thi đấu trên sân nhà.
Khi ra đấu trường quốc tế, câu chuyện khó khăn hơn rất nhiều. Tại China Open 2023 vừa qua, người hâm mộ thể thao Việt Nam chạnh lòng khi thấy Nguyễn Thùy Linh thui thủi một mình trong lúc nghỉ giải lao. Cô phải tự làm tất cả, trong khi đối thủ có người lau mồ hôi, đưa nước uống đồng thời hướng dẫn chiến thuật.
Thực tế, hình ảnh đơn độc của Nguyễn Thùy Linh không mới với những ai theo dõi tay vợt này đủ lâu. Với những người mê cầu lông thì càng không có gì đáng nói. Họ đã quá quen với việc Nguyễn Tiến Minh “đơn thương, độc mã” ở nhiều giải đấu lớn trong quá khứ. Cần biết rằng Tiến Minh là trường hợp cá biệt không chỉ của cầu lông và của cả thể thao Việt Nam. Tay vợt 40 tuổi của TP.Hồ Chí Minh có nền tảng tài chính vững mạnh, cho phép anh du đấu thường xuyên từ khi còn rất trẻ.
Nguyễn Tiến Minh cũng là tay vợt hiếm hoi của Việt Nam có tiền thuê thầy ngoại ngay trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Trở lại giai đoạn cách đây khoảng 15 năm, Tiến Minh từng chật vật tìm kiếm huấn luyện viên (HLV) cũng như nơi tập huấn. Ở thời điểm đó, cựu phó chủ tịch Liên đoàn cầu lông thế giới, Punch Gunalan nói thẳng, các tay vợt Việt Nam chỉ có hai cách giành vé dự Olympic. Nếu không có HLV giỏi thì phải tập huấn nước ngoài và thi đấu thường xuyên ở các giải quốc tế. Tiến Minh may mắn theo học HLV Yan Shi Qiang và HLV Misbun Sidek, người từng dạy cho Lee Choong Wei. Anh cũng có nhiều tháng trời tập huấn ở các câu lạc bộ (CLB) nổi tiếng châu Á – CLB Nusha. Chi phí cho việc thuê thầy ngoại và tập luyện ở các CLB nước ngoài lên đến vài nghìn USD mỗi tháng. Con số này cao gấp nhiều lần ở thời điểm hiện tại.
Năm 2005, khi đến California dự giải vô địch cầu lông thế giới, Nguyễn Tiến Minh trải qua 14 ngày đầy khó khăn. Khi đó, cho dù ăn 2 đầu lương của TP.Hồ Chí Minh và đội tuyển quốc gia, Tiến Minh cũng chỉ nhận được 2,4 triệu đồng mỗi tháng. “Nếu như không được gia đình hỗ trợ thì khó có thể trở thành một vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp”, tay vợt lừng danh này thừa nhận.
Hệ thống cầu lông thế giới khiến các tay vợt phải di chuyển thi đấu khắp nơi nếu muốn tăng hạng. Nguyễn Thùy Linh không thể lọt vào top 20 thế giới và giành vé dự Olympic nếu chỉ thi đấu ở Việt Nam. Đó là chuyện đương nhiên. Càng đi xa, càng tốn kém và các vận động viên buộc phải tiết kiệm chi phí bằng cách… đi một mình.
Tại Vietnam Open 2023 vừa qua, chỉ có một số đội tuyển có HLV đi cùng, hướng dẫn VĐV như: Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia. Những tay vợt của Ấn Độ, Myanmar thì không được như vậy.
Là tay vợt nữ số 1 Myanmar, lọt vào top 50 thế giới và đang sáng cửa đến Olympic Paris, nhưng Thet Htar Thuzar cũng không có HLV hay săn sóc viên đi cùng. Hoa khôi cầu lông Myanmar thường một mình đến rồi đi ở các giải quốc tế cô tham dự.
1 năm trước, Goh Jin Wei gặp Thùy Linh ở trận chung kết đơn nữ. Thần đồng một thời của cầu lông Malaysia giờ cũng không có biệt đãi nào. Chia sẻ trên trang cá nhân, cô cho biết mình phải tự đặt vé máy bay, phòng khách sạn và mọi khoản chi khác để du đấu. Thậm chí, cô đã tìm hiểu trước và cài đặt Grab để sang Việt Nam bắt xe cho rẻ, thay vì gọi taxi ở TP.Hồ Chí Minh.
Môn thể thao cô độc nhất hành tinh?
Có thể nói cầu lông là môn thể thao cô độc ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây là thực tế mà bất cứ vận động viên nào muốn theo đuổi đỉnh cao ở các môn cá nhân phải chấp nhận. Nó khá trái ngược với sự phổ biến của cầu lông trong xã hội. Nói cách khác, đây là môn phù hợp cho phong trào nhiều hơn. Bất cứ ai muốn tranh tài ở cấp độ cao nhất sẽ phải chịu đựng những điều hoàn toàn khác.
Tìm hiểu từ lịch sử, cầu lông vốn là môn thể thao sinh ra từ “sự nổi loạn”. Vào đầu những năm 1800 ở Gloucestershire, Anh, cầu lông nổi lên như cuộc nổi loạn chống lại các quy tắc chi phối các môn thể thao như quần vợt. Người chơi tìm cách tạo phiên bản của riêng họ với ít hạn chế hơn. Sử dụng quả cầu thay vì bóng tennis và vợt nhẹ thay vì vợt nhỏ, họ đã phát triển môn thể thao mà ngày nay chúng ta gọi là cầu lông.
Giống như nguồn gốc của nó, cầu lông đỉnh cao không dành cho số đông. Ngay cả ngôi sao của một quốc gia như Nguyễn Thùy Linh chưa từng vào đến top 20 thế giới. China Open 2023 là giải Super 1000 đầu tiên mà tay vợt quê Phú Thọ có suất tham dự.
Sự cô độc của cầu lông thể hiện ngay ở chỗ đó. Không chỉ riêng ở việc phải tập luyện cá nhân ngày này qua tháng khác, các tay vợt thông thường còn phải đứng ở lưng chừng sự nghiệp: rất mạnh ở khu vực của họ và không đủ mạnh ở tầm quốc tế. Các quốc gia cũng thường tập trung vào các nội dung đánh đơn hơn là đánh đôi và đồng đội, khiến cảnh các tay vợt một mình ra sân, thi đấu xong ra về là chuyện bình thường.
Đây là điều dễ hiểu, bởi vì cầu lông là môn thể thao căng thẳng và có tính cạnh tranh nên việc mong đợi 2 tay vợt xếp hạng cao có thể kết hợp để giành chiến thắng đôi là nhiệm vụ không đơn giản. Chưa kể nguy cơ chấn thương với các tay vợt đánh đơn tăng lên khi họ phải tham gia cả đánh đôi.
Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi chấp nhận “từ bỏ” các nội dung đánh đơn để tập trung đầu tư cho đánh đôi và đồng đội. Quyết định này giúp họ giành được các chiến thắng lớn tại Olympic và Thomas Cup danh giá. Nhưng họ chỉ là trường hợp cá biệt.
Phần lớn các vận động viên cầu lông khác – đặc biệt ở những quốc gia chưa phát triển mạnh đều phải chấp nhận “đơn thương, độc mã” như Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh của Việt Nam nếu muốn tiến ra thế giới. Để tìm kiếm sự hỗ trợ, họ thậm chí phải đầu quân cho các tỉnh thành khác. Nguyễn Thùy Linh sinh ra ở Phú Thọ, nhưng tay vợt đại diện cho Đồng Nai bởi lẽ đây là địa phương cấp kinh phí cho cô thi đấu.
Trên đây là tình cảnh của các tay vợt hàng đầu quốc gia. Những tay vợt khác nằm ngoài top 20, thậm chí top 10 Việt Nam còn chật vật hơn nhiều. Họ kiếm được tài trợ đủ đánh giải trong nước, duy trì thu nhập đã là may mắn.
Các tay vợt cầu lông chuyên nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền?
Thu nhập của các tay vợt cầu lông chuyên nghiệp có thể rất khác nhau tùy thuộc vào thành công của họ và quốc gia nơi họ thi đấu. Những người chơi hàng đầu ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Đan Mạch có thể kiếm được vài trăm nghìn USD tiền thưởng mỗi năm và lương cơ bản. Chỉ có một số ít trường hợp đạt đến tầm siêu sao như Kento Momota, Lin Dan và Lee Chong Wei có thể kiếm nhiều hơn 500.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, đa số các tay vợt khác ở các quốc gia khác có thể chỉ kiếm được vài nghìn USD mỗi năm, thậm chí không có gì ngoài tiền tài trợ và phụ cấp từ quốc gia của họ.
Điều đáng chú ý là đối với hầu hết người chơi cầu lông chuyên nghiệp, thu nhập của họ không đủ để trang trải tất cả các chi phí cho môn thể thao này. Họ buộc phải dựa vào các nguồn thu nhập khác hoặc hỗ trợ từ gia đình để theo đuổi đam mê.
Các chi phí điển hình cho một tay vợt cầu lông chuyên nghiệp là trang phục thi đấu. Ngay cả khi có nhà tài trợ, các tay vợt vẫn phải chi thêm tiền nếu muốn có quần áo, giày và vợt như ý muốn. Tuy nhiên, tốn kém nhất vẫn là du đấu và thuê HLV riêng. Khi tham gia các giải đấu ở nước ngoài, các tay vợt phải tự trang trải chi phí ăn, ở. Tùy theo số người mang theo, họ sẽ phải chi trả thêm ngần ấy tiền.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/cau-long-mon-the-thao-co-doc-nhat-hanh-tinh–i707653/
Ý kiến ()