Cầu Kỳ Lừa hay cầu Kỳ Cùng?
LSO-Những năm gần đây, ở đầu phía Namchiếc cầu bắc qua sông Kỳ Cùng đoạn từ chùa Thành sang đền Kỳ Cùng có tấm biển ghi “Cầu Kỳ Lừa”.
Bia ghi năm Pháp xây dựng và khánh thành cầu Kỳ Cùng – Ảnh ĐINH HỒNG CƯƠNG |
Du khách qua đây, theo biển ghi, gọi đó là “cầu Kỳ Lừa”. Nhiều tài liệu, sách báo viết bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (như tiếng Anh, tiếng Trung…) khi nói đến chiếc cầu này cũng ghi “cầu Kỳ Lừa”. Thế nhưng người dân ở đây, nhất là những người đã sống lâu năm ở thành phố Lạng Sơn thì đều gọi đó là “cầu Kỳ Cùng”.
Vậy chiếc cầu đó là “cầu Kỳ Lừa” hay “cầu Kỳ Cùng”?
Vừa qua, nhân việc xem xét phương án kiến trúc xây dựng lại cầu Kỳ Cùng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Thông báo số 30 ngày 26/2/2016 nói rõ: “Cầu Kỳ Cùng không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, gắn liền với quần thể di tích văn hóa-lịch sử đền Kỳ Cùng, chùa Thành, nhà Công quán, Cột đồng trụ…”, vì vậy, bên cạnh việc xác định nhiệm vụ thiết kế kiến trúc, UBND tỉnh đã “Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tra cứu các tài liệu lịch sử, tham khảo ý kiến các bậc cao niên, các nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về lịch sử, văn hóa để xác định rõ tên cầu là “Kỳ Cùng” hay “Kỳ Lừa”, tránh việc đặt tên tùy tiện như hiện nay”.
Ngược dòng thời gian, thị xã (nay là thành phố) Lạng Sơn đã từng có cả cầu Kỳ Lừa và cầu Kỳ Cùng.
Lạng Sơn có con đường “thiên lý” từ kinh đô Thăng Long qua đất Lạng Sơn rồi sang Bắc quốc. Khi đi tới trung tâm thành phố Lạng Sơn hiện nay, nó gặp dòng sông Kỳ Cùng chắn ngang. Khách bộ hành phải qua sông bằng đò, mảng từ bờ Nam (phía chùa Thành) sang bờ Bắc (phía đền Kỳ Cùng). Bến đò đó có tên là “Kỳ Cùng thạch độ” (Bến đá Kỳ Cùng). Cuối thế kỷ XVIII, quan Đốc trấn Ngô Thì Sĩ có bài thơ “Trấn doanh bát cảnh” (8 cảnh đẹp của Trấn doanh – thành phố Lạng Sơn ngày nay) đã xếp Bến đá Kỳ Cùng là một trong 8 cảnh đẹp đó.
Qua sông Kỳ Cùng, trên đường lên phố chợ Kỳ Lừa, khách bộ hành gặp con suối Lao Ly chắn ngang. Nơi đây, từ đầu thế kỷ XVIII đã được người dân góp công, góp của làm chiếc cầu đá bắc qua suối. Cầu nằm ở phía Nam chợ Kỳ Lừa, nên gọi là “cầu Kỳ Lừa”. Trải qua thời gian, chiếc cầu này hiện không còn dấu vết, nhưng còn tấm bia đá 4 mặt ghi việc làm cầu và những người có công đức, hưng công xây cầu, đặt ở vị trí gần cầu. Cạnh tấm bia đá là một miếu nhỏ thờ thổ công, lợp ngói âm dương, dân địa phương và những người qua lại thường đến thắp hương. Năm 1993, người dân quanh khu vực miếu đã góp công sức lập nên ngôi miếu khang trang hơn trên nền đất cũ. Năm 2003, thành phố Lạng Sơn tiến hành xây dựng chợ Giếng Vuông, tấm bia đá và ngôi miếu nằm ở trung tâm khu đất cần giải phóng mặt bằng để xây chợ. Trong khi chưa cắm được vị trí mới, tấm bia đá cùng bát hương ngôi miếu đã tạm thời được chuyển về Phòng Văn hóa thành phố. Đến năm 2007, việc xây chợ Giếng Vuông hoàn thành, thành phố cắm địa điểm mới cho ngôi miếu và bia đá ở cạnh vị trí cũ. Bà con nhân dân khu phố Trần Đăng Ninh đã góp công sức xây nên miếu thờ thổ công “Từ Linh Phúc” ngày nay và tấm bia đá ghi việc xây cầu Kỳ Lừa được đặt cạnh miếu. Bia gồm 4 mặt. Mặt 1 có nội dung (lược dịch) như sau: “Xét ra cầu bắc qua sông suối là để tiện đi lại giúp cho giao thông chống ách tắc. Vậy thì không thể không làm cầu (đã có công làm cầu) thì phải ghi chép lại sự việc… sau này sẽ được báo đáp rõ ràng. Công việc xong xuôi xin tỏ bài văn để truyền lâu dài. Tôi là người luôn luôn để ý đến việc làm điều thiện, mà đây lại là điều thiện trong các điều thiện, tôi không thể lấy sự nông cạn của mình để từ chối… (vậy làm bài văn khắc) vào đá để truyền lâu dài. Dựng bia ngày lành tháng 12 năm Giáp Thìn Bảo Thái thứ 5 (1724).
Đinh Thần phủ người xã Bình… huyện Siêu Loại, Thuận Thành, Kinh Bắc, đỗ Tiến sĩ khoa Năm Thìn, tước Kim tử vinh lộc đại phu sai làm đốc trấn Lạng Sơn xứ rồi làm Bồi tụng Đông các đại học sĩ, tước Thọ phúc hầu soạn.
Dinh Đức làm tiên sự luận đường người xã Hoa Phẩm, huyện Nghi Xuân viết”.
Ngày nay, chữ viết trên tấm bia đã bị mờ, khó đọc, tên người ghi ở mặt 1 cũng không rõ, chỉ biết người soạn bia là đốc trấn Lạng Sơn Đinh Thần phủ (chắc là tên hiệu), quê ở Siêu Loại, Thuận Thành (Bắc Ninh). Người khắc bia có họ là Dinh Đức… (bị mờ), quê xã Hoa Phẩm (nay là xã Tam Xuân), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mặt 2 và 3 của bia khắc tên những người có công đức hưng công xây cầu, nhưng đều mờ, không còn đủ chữ. Một vài tên người còn đọc được là: Đỗ Quàn Tích ở huyện Cao Minh, phủ Triệu Khánh; người buôn trong nước và các tỉnh Trung Quốc gồm có: Hà Quốc Vũ, Hà Tria, Vi Anh Thái, Phùng Viết Đỗ… (theo Văn bia xứ Lạng – UBND thị xã Lạng Sơn, Sở Văn hóa- Thông tin- Thể thao tỉnh Lạng Sơn xuất bản năm 1993)
Như vậy, cầu Kỳ Lừa là chiếc cầu đá bắc qua suối Lao Ly, nằm ở vị trí khu chợ Giếng Vuông hiện nay, được xây dựng, khánh thành từ năm Bảo Thái thứ 5 (1724).
Cầu Kỳ Cùng: Đây là chiếc cầu bắc qua sông Kỳ Cùng đoạn từ chùa Thành sang đền Kỳ Cùng. Vì phải bắc qua dòng sông rộng nên trước đây, chưa làm được cầu, khách bộ hành phải qua sông bằng đò, mảng (Bến đá Kỳ Cùng).
Bia đá cầu Kỳ Lừa và miếu Phúc linh từ hiện nay |
Đầu năm 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Lạng Sơn, nhưng bị quân dân ta phối hợp với quân nhà Thanh đánh trả, chúng phải rút chạy về Phủ Lạng Thương. Sau Hiệp ước Thiên Tân (4/4/1885), cuối năm 1885, Pháp chiếm được thị xã Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê và một số vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 4. Xét thấy vị trí quan trọng của con đường Hà Nội – Lạng Sơn, Đồng Đăng, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng chiếc cầu qua sông Kỳ Cùng ngay từ năm 1887, đến năm 1889 thì hoàn thành. Người Pháp đã dựng tấm bia đá ghi thời gian xây cầu, đặt ở đầu cầu phía Bắc, gần đền Kỳ Cùng. Trải qua những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979), cầu bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1985 – 1987, chúng ta làm chiếc cầu mới hiện nay. Để chống lũ lụt, hai đầu cầu và đường dẫn được nâng cao hơn trước. Tấm bia đá được tháo dỡ, để ở đầu cầu và bị lãng quên theo thời gian. Hiện nay, tấm bia đó nằm lăn lóc bên hiên một ngôi nhà dân gần đầu cầu.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những người dân đã sống lâu năm gần đầu cầu phía Bắc như cụ Vũ Đồng, 91 tuổi (sinh 1925), hiện ở ngõ 1, khối 1, đường Phố Muối; cụ Phạm Văn Lảo, 90 tuổi, cụ Đặng Duy Ái, 81 tuổi, ở khối 1 đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn… Các cụ xác nhận tấm bia đó trước đây được đặt ở đầu cầu và đều nói: “Từ trước đến nay, người dân ở đây vẫn gọi chiếc cầu này là cầu Kỳ Cùng. Đây là cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, ngay cạnh đền Kỳ Cùng và “Bến đá Kỳ Cùng” nên gọi là cầu Kỳ Cùng. ”.
HỮU SƠN
Ý kiến ()