“Câu chuyện sản phẩm”: Tăng sức hút cho sản phẩm OCOP
– Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh triển khai những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm. Trong số các tiêu chí của sản phẩm OCOP, “câu chuyện sản phẩm” là yếu tố quan trong đối với việc quảng bá, thu hút khách hàng tìm đến sản phẩm.
Trong quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều câu chuyện sản phẩm đã thuyết phục được khách hàng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm. Từ đó, góp phần phát triển thị trường và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, ngành chức năng và các địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể xây dựng câu chuyện sản phẩm phù hợp và có giá trị quảng bá cao.
Thu hút khách hàng
“Mật ong ngũ gia bì có nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong bình thường, loại mật ong này còn là 1 vị thuốc quý vì được lấy từ mật hoa cây ngũ gia bì – một loại cây dược liệu quý thuộc họ Nhân sâm mọc tại Vân Thuỷ. Hiện nay, chỉ có tỉnh Lạng Sơn mới có loại mật ong này. Mật ong ngũ gia bì chứa nhiều hợp chất từ đặc tính của hoa ngũ gia bì, được người dân nơi đây xem là “thần dược” giúp trị các bệnh về hô hấp, xương khớp…”. Đây chính là câu chuyện của sản phẩm OCOP 3 sao Mật ong ngũ gia bì của Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng.
Thành viên HTX Nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn ong
Ông Nông Văn Hiệp, thành viên Hội đồng quản trị HTX cho biết: Khi sản phẩm mật ong của HTX tham gia các sự kiện quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử, rất nhiều người tiêu dùng đã quan tâm và bị thuyết phục bởi câu chuyện sản phẩm. Nhiều người đã đặt mua sản phẩm để sử dụng, làm quà tặng. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, thị trường sản phẩm được mở rộng ra thêm một số tỉnh, thành mới như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 lít/năm, cao hơn khoảng 20% so với trước khi tham gia chương trình OCOP.
Cùng với sản phẩm mật ong ngũ gia bì tại xã Vân Thuỷ, hiện nay, toàn tỉnh còn có 94 sản phẩm OCOP với 94 câu chuyện sản phẩm riêng biệt. Các câu chuyện dựa trên nhiều yếu tố như: phương thức sản xuất truyền thống của người dân; đặc trưng vùng địa lý; các yếu tố lịch sử, văn hóa liên quan đến sản phẩm; công dụng nổi bật, riêng biệt của sản phẩm…
Mỗi sản phẩm OCOP được kể bằng một câu chuyện riêng. Đơn cử, cùng là sản phẩm là rượu, thế nhưng rượu men lá Mỏ Heo (huyện Hữu Lũng) lại được sản xuất từ nguồn nước tinh khiết lấy từ mạch nước của suối Mỏ Heo, kết hợp với men lá đặc trưng của người Dao đã tạo ra những giọt rượu nếp men lá thơm ngon. Trong khi đó, rượu men lá Hữu Lễ (huyện Văn Quan) sử dụng nguồn nước sạch được dẫn từ trên núi về để sử dụng, loại rượu này cần loại men lá đặc biệt được người dân Hữu Lễ tạo ra từ một số loại cây thuốc trên rừng. Do đó, rượu Hữu Lễ có mùi thơm của lá thuốc, có vị ngọt của nước trên núi và hương vị cay nồng, thơm dịu. Chính sự kết hợp giữa văn hóa và chất lượng tạo nên sự khác biệt trong mỗi câu chuyện sản phẩm mà chủ thể OCOP thể hiện. Từ đó, mỗi sản phẩm khi được quảng bá, giới thiệu sẽ được người tiêu dùng đánh giá, lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.
Hỗ trợ chủ thể OCOP
Theo đánh giá từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tiêu chí “câu chuyện sản phẩm” chính là yếu tố quan trọng nhất để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn chủ thể OCOP còn gặp phải khó khăn trong diễn đạt, trình bày câu chuyện sản phẩm. Do đó, thời gian qua, các địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Đơn cử như tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, nhiều chủ thể OCOP đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tư vấn và kết nối đến các cá nhân, tổ chức nhằm viết nên câu chuyện sản phẩm dựa trên ý tưởng của chủ thể.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã trực tiếp hỗ trợ hoặc kết nối các chủ thể với các đơn vị khác nhằm cụ thể hoá ý tưởng bằng câu chuyện sản phẩm. Đồng thời, tham gia thẩm định, đánh giá giá trị quảng bá của các câu chuyện. Với câu chuyện sản phẩm hấp dẫn, toàn bộ 18 sản phẩm OCOP đều đã thu hút khách hàng từ nhiều tỉnh, thành như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh… ưa chuộng sử dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho hơn 200 người tham gia và tổ chức 1 cuộc tham quan, học tập về xây dựng sản phẩm OCOP tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trong đó, đơn vị đã dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện tốt câu chuyện sản phẩm.
Theo ông Phạm Tuyến, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, để công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm thu hút được người tiêu dùng. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực cán bộ phụ trách để đáp ứng tốt việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện thẩm định kỹ lưỡng tiêu chí “câu chuyện sản phẩm” khi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm chưa đạt về tiêu chí này, chi cục sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện.
Đối với nhiều người tiêu dùng, câu chuyện của sản phẩm là một trong những yếu tố để họ đưa ra quyết định có mua sản phẩm đó hay không. Do vậy, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ ngành chức năng, các chủ thể OCOP cũng cần tiếp tục quan tâm phát triển câu chuyện sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Ý kiến ()