Câu chuyện quốc tế: Nỗi lo thật từ mặt nạ siêu thật
Mặt nạ giả dạng như người thật thường xuất hiện trong phim hành động, đơn cử như loạt phim bom tấn "Mission: Impossible" (Nhiệm vụ bất khả thi) của Hollywood mà tài tử Tom Cruise thủ vai điệp viên trứ danh Ethan Hunt. Việc bước từ màn ảnh nhỏ ra ngoài đời thực, nhưng lại được tội phạm dùng cải trang để thực hiện hoạt động bất chính đang làm dấy lên lo ngại về sản phẩm này.
Vừa qua, kẻ trộm đã đột nhập vào 4 ngôi nhà ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và đánh cắp đồ vật có giá trị hơn 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.000USD). Chuyện có lẽ không đáng chú ý, nhưng khi xác định được nghi phạm chính, cảnh sát địa phương phát hiện ra rằng tên đạo chích 40 tuổi này đeo mặt nạ siêu thật làm bằng silicone để cải trang thành một người đàn ông lớn tuổi khi gây án.
Tương tự, cơ quan chức năng tỉnh Giang Tô cũng xác lập chuyên án về một loạt vụ trộm ở địa phương và xác định được một đối tượng sử dụng mặt nạ cải trang thành công nhân điện nhằm giảm nguy cơ bị nhận dạng bởi thiết bị giám sát.
Những vụ án trên nằm trong hàng loạt hoạt động phạm tội liên quan đến mặt nạ silicone hóa trang giống người thật đang gia tăng ở Trung Quốc thời gian qua. Do đó, giới chuyên gia đã cảnh báo về xu hướng lợi dụng mặt nạ để phạm tội nếu việc bán sản phẩm này không được quản lý chặt chẽ. “Sản xuất mặt nạ không hề sai trái. Điều quan trọng là phải quản lý việc sử dụng chúng. Các cơ quan có thẩm quyền nên đánh giá mức độ thực tế của sản phẩm này”, China Daily dẫn lời Giáo sư về tội phạm học Liu Jiong tại Đại học Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) khuyến nghị.
Thực tế, mặt nạ siêu thật đang được bày bán tràn lan ở Trung Quốc, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử. Loại mặt nạ này được giới thiệu dưới tiêu đề rất bình thường như “mặt nạ silicone” hay “mặt nạ hóa trang”, vốn được coi là một đạo cụ vui nhộn xuất hiện trong các bữa tiệc hóa trang. Song chỉ cần nhấp chuột thêm vài lần, người mua có thể đọc được lời hứa hẹn rằng những chiếc mặt nạ đó có khả năng biến họ thành bất kỳ người nổi tiếng nào.
Một số cửa hàng khác còn chấp nhận mọi đơn đặt hàng, miễn là vị khách đó có thể cung cấp tất cả chi tiết cần thiết, bao gồm ảnh, dữ liệu về đầu và đặc điểm trên khuôn mặt, hoặc bản quét 3D. Thậm chí, có nơi còn bảo đảm hoàn lại tiền nếu sản phẩm không vượt qua được nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại thông minh. Giá cả của chúng cũng tùy thuộc vào độ phức tạp, dao động từ 3.000 đến 25.000 nhân dân tệ.
Không phải ai cũng mua mặt nạ siêu thật với mục đích bất hợp pháp. Một số người chỉ muốn đùa giỡn với mặt nạ của những người nổi tiếng mà họ yêu thích, chơi khăm bạn bè hoặc chỉ đơn giản là tò mò về sản phẩm này. Mặt khác, Trung Quốc cũng không phải quốc gia duy nhất mà tội phạm sử dụng mặt nạ silicone. Tuy nhiên, việc lợi dụng hình thức ngụy trang như vậy để vượt qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể trở thành một vấn đề rõ ràng ở nước này, vì có thể giúp kẻ xấu trốn tránh nhận dạng, thậm chí tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp danh tính hoặc mạo danh.
Trước những nguy cơ tiềm tàng đó, các nền tảng thương mại điện tử tại đất nước tỷ dân như Taobao và Pinduoduo đã bắt đầu hạn chế việc tìm kiếm liên quan tới mặt nạ silicone nói chung. Tháng trước, Tòa án internet Bắc Kinh đưa ra phán quyết đầu tiên về hành vi vi phạm quyền cá nhân của một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên “hoán đổi khuôn mặt” vì dùng khuôn mặt của hai người nổi tiếng “làm mẫu” để kiếm lợi nhuận mà không có sự chấp thuận từ họ.
Ý kiến ()