Câu chuyện quốc tế: Làn sóng biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu
Vốn đã gánh chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, nông dân châu Âu giờ đây còn phải đối mặt với giá nhiên liệu, phân bón tăng vọt, cùng những quy định xanh về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, giảm khí thải nông nghiệp và thúc đẩy đa dạng sinh học…
Nhiều nông dân chia sẻ, họ bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp mới của Liên minh châu Âu (EU). “Có quá nhiều quy định buộc nông dân phải tuân theo. Chúng tôi ngày càng phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn hơn, đáp ứng nhiều yêu cầu hơn trong khi lợi nhuận ngày càng ít đi. Chúng tôi không thể sống bằng nghề nông nữa”, ông Jean-Jacques Pesquerel, một nông dân Pháp 61 tuổi, bày tỏ.
Không chỉ vậy, những nông dân cũng than phiền về sự bất lợi khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những sản phẩm của các quốc gia láng giềng có chi phí sản xuất thấp hơn đang đổ vào châu Âu. Một nông dân Đức có tên Phillip Obwald cho biết: “Chúng tôi, những người nông dân, sẵn sàng làm việc mà không cần trợ cấp. Mọi người đều muốn các sản phẩm mà họ sản xuất ra được trả theo giá công bằng. Tuy nhiên, thực tế là trong vài năm qua ở Đức, chúng tôi gặp nhiều bất lợi về cạnh tranh khi phải tuân thủ các quy định về môi trường theo tiêu chuẩn EU và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sản phẩm của các quốc gia có tiêu chuẩn và chi phí sản xuất thấp hơn”.
Nông dân lái máy kéo biểu tình trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ huyết mạch.Nguồn: latribune |
Theo France 24, nhiều hoạt động phản kháng đã đồng loạt diễn ra tại Pháp trong ngày 25 và 26-1, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trên cao tốc A7 nối Marseille và Lyon, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Pháp, những thùng cà chua, bắp cải và súp lơ đổ đầy mặt đường. Hàng trăm chiếc máy kéo nối đuôi nhau tuần hành qua Rennes và Nantes ở phía Tây nước Pháp khiến giao thông tắc nghẽn. Hơn 70 nút giao thông trên khắp đất nước hình lục lăng bị nông dân chặn lại…
Pháp là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất trong liên minh EU. Các chính sách về nông nghiệp từ lâu luôn là vấn đề nhạy cảm tại quốc gia này. Trước căng thẳng tăng cao và sự giận dữ từ phía những người biểu tình, tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, ngày 27-1, đã công bố kế hoạch giảm bớt áp lực tài chính cho nông dân và đơn giản hóa thủ tục hành chính để phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để ngăn các “binh đoàn máy kéo” tiếp tục đổ về Paris.
Đáng lo ngại hơn, phong trào phản kháng của giới nông dân đang tăng mạnh không chỉ ở Pháp. Khắp các ngả đường tại EU, từ Romania, Đức, Ba Lan đến Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha… các hoạt động biểu tình, tuần hành bằng xe kéo, phong tỏa đường cao tốc… diễn ra ở nhiều nơi. Vậy nguyên nhân của phong trào phản kháng này bắt nguồn từ đâu? Theo bà Christiane Lambert, Chủ tịch Ủy ban các tổ chức nông nghiệp chuyên nghiệp (COPA), có rất nhiều lý do dẫn đến phong trào phản kháng. Tại Romania, Ba Lan, Bulgaria, chủ yếu là liên quan đến đòi hỏi ngăn chặn ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine và Nga đang làm rớt giá nông phẩm của các nước này. Ở những nước khác là việc áp dụng quy định về phân đạm nitrat. Đối với nông dân Đức là giá năng lượng tăng cao, chính sách cắt giảm trợ giá dầu diesel cho nông nghiệp…
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các cuộc biểu tình của giới nông dân một số nước châu Âu bắt nguồn từ những tình huống cụ thể khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung đó là nỗi bất an của người nông dân và việc họ muốn bảo vệ những quyền lợi cũ, dù đó là quyền được tiếp tục hưởng các khoản trợ cấp hay quyền được sử dụng năng lượng hóa thạch…
Nhiều nông dân cho biết, họ đang cảm thấy “ngạt thở” với các chính sách quản lý mới của chính phủ, với quá nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp và “không phù hợp với thực tế”, đặc biệt là những điều khoản chiểu theo các tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Thỏa thuận Xanh châu Âu buộc các nước thành viên EU phải thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, với các mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu cũng như phát triển nông nghiệp hữu cơ hoặc bảo vệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nhiều quốc gia EU chưa đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho nông dân khi thực hiện các quy định mới. Điều này đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn, tạo nên nghịch lý: Những người làm ra cái ăn cho xã hội nhưng bản thân họ lại không đủ sống.
Cô Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên nông thôn Đức (BDL) cho rằng, ngành nông nghiệp không phản đối cải cách môi trường nhưng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Theo cô, nông dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tuân theo những quy định về môi trường khắt khe nếu kế sinh nhai không được bảo đảm.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()