Câu chuyện quốc tế: Khi tiền lẻ quý như vàng
Đồng nội tệ rớt giá thảm hại, trong khi ngoại tệ, đặc biệt là những đồng ngoại tệ mệnh giá nhỏ ngày càng khan hiếm đã khiến các hoạt động mua bán, thanh toán hàng ngày ở Zimbabwe bị đảo lộn. Đây cũng là nguyên dẫn tới sự xuất hiện của các hình thức thanh toán hết sức lạ đời tại quốc gia châu Phi này.
Theo tờ The Wall Street Journal, một ngày đầu năm 2023, chị Rutendo Manyowa dùng tờ 5USD để trả hóa đơn 3,5USD gồm gà, khoai tây chiên và nước ngọt tại một cửa hàng chuyên bán đồ ăn nhanh ở thủ đô Harare của Zimbabwe. Nhưng thay vì trả lại 1,5USD tiền thừa, nhân viên thu ngân đưa cho Manyowa… 3 tờ giấy có in tên của cửa hàng này và số tiền thừa mà cô có thể dùng cho lần mua tiếp theo.
Trở lại đầu những năm 2000, Chính phủ Zimbabwe bắt đầu cho in tiền ồ ạt trong nỗ lực cứu vớt nền nông nghiệp đang bên bờ vực sụp đổ. Hệ quả là lạm phát ở Zimbabwe tăng liên tục và có lúc lên tới mức 79,6 tỷ %. Năm 2009, Zimbabwe quyết định từ bỏ đồng tiền nội địa và chuyển sang sử dụng đồng USD. Nhưng chính sách ấy cũng chỉ giúp mang lại sự ổn định trong vài năm trước khi Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe thông báo không thể đáp ứng nhu cầu về đồng USD. Đầu năm 2019, quốc gia này tái ra mắt đồng Zimbabwe dollar (ZWL), nhưng đồng tiền này ngay lập tức mất giá không phanh. Đến tháng 3-2020, Chính phủ Zimbabwe buộc phải cho phép sử dụng ngoại tệ trong giao dịch hằng ngày trở lại.
Ảnh minh họa: Vietnam |
The Wall Street Journal cho biết lạm phát tại Zimbabwe trong tháng 1-2023 đã lên tới 230% và dù hiện nay, ZWL vẫn là loại tiền tệ chính thức ở Zimbabwe, song hầu hết doanh nghiệp đều yêu cầu người dân thanh toán bằng đồng USD. Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ của Zimbabwe không đủ đáp ứng nhu cầu. Tờ 1USD vốn được sử dụng nhiều nhất ở quốc gia này cũng trở nên cực kỳ khan hiếm. Manyowa, nữ sinh viên 23 tuổi, kể rằng có lần cô phải đứng chờ 15 phút ở một cửa hàng bán gà rán để nhận lại 1USD tiền thừa sau khi một khách hàng khác đến thanh toán bằng tờ tiền này.
Do thiếu tiền lẻ nên các đơn vị kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng đã nghĩ ra nhiều cách trả tiền thừa cho khách. Một trong các phương thức phổ biến đó là họ in những tờ tiền riêng, chính xác hơn đó là các mẩu giấy có khi được viết tay. Khách hàng có thể sử dụng những tờ tiền tự chế này cho các lần mua hàng tiếp theo.
Một số cửa hàng, cửa hiệu thậm chí còn trả lại tiền thừa cho khách bằng hiện vật, chẳng hạn như hộp nước trái cây, cây bút hay một lát phô mai. Đôi khi, khách hàng than phiền rằng giá trị của những món đồ này không tương xứng với số tiền còn thừa của họ, nhưng rồi vẫn phải miễn cưỡng chấp nhận.
Cũng vì thiếu tiền lẻ trả lại cho khách, nhiều cửa hàng nhỏ lại ghi tên khách hàng mà họ còn nợ tiền vào một cuốn sổ để trừ vào những lần mua hàng kế tiếp. Khách hàng thường dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh từng lần mua hàng theo hình thức này làm bằng chứng để đề phòng chủ cửa hàng quên. Một số công ty, thương hiệu lớn hơn thì cho ra đời các ứng dụng giúp khách hàng nhận lại tiền thừa qua điện thoại di động thông minh.
Hay như Allen Mutonga, chủ một tiệm cắt tóc ở thủ đô Harare, đã cùng cửa hàng tạp hóa nhỏ bên cạnh tạo ra một “liên minh tiền tệ” giúp cho việc thanh toán dễ dàng hơn. Nếu khách hàng không có tờ tiền phù hợp để trả tiền cắt tóc, Mutonga sẽ đưa cho họ một tờ giấy viết tay và khách hàng sẽ cầm tờ giấy này sang tiệm tạp hóa bên cạnh nhận lại tiền thừa hoặc mua món đồ gì đó.
Warren Meares, CEO của Simbisa Brands-chủ sở hữu thương hiệu Chicken Inn và nhiều chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh khác nói rằng do đồng nội tệ của Zimbabwe gặp vấn đề nên các doanh nghiệp buộc phải tìm những phương thức thanh toán đặc biệt như vậy.
Dẫu biết rằng những hình thức thanh toán ấy vô cùng bất tiện và không phải lúc nào cũng làm hài lòng cả người mua và người bán, song trong tình cảnh hiện tại, họ đâu còn sự lựa chọn nào khác. Tiền lẻ hiện đang được xem là thứ “quý như vàng” ở Zimbabwe!
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-khi-tien-le-quy-nhu-vang-723661
Ý kiến ()