Câu chuyện quốc tế: Giúp người trẻ tìm việc
Chính thức tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên trong tháng 5, song một tháng trước, Sally Zhang đã tới Thượng Hải tìm việc. Để có nơi ở tạm trong thời gian chờ phỏng vấn, Zhang hết ở nhờ ký túc xá với bạn bè lại lang thang tìm nhà trọ giá rẻ, trước khi được bố trí 5 ngày ở miễn phí tại một căn hộ nhỏ phía Bắc quận Bảo Sơn, ngoại ô Thượng Hải.
“Nơi đó khá xa trung tâm thành phố và không có ga tàu điện ngầm, song nó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tôi vào thời điểm đó”, South China Morning Post dẫn lời cô gái 23 tuổi đang bỡ ngỡ trước cuộc sống đắt đỏ ở thành phố đông dân nhất nhì Trung Quốc. May mắn thay, Zhang đã nhanh chóng có việc làm và tìm thuê được một căn hộ lâu dài.
Căn hộ lưu trú miễn phí mà Zhang được trải nghiệm là một phần trong sáng kiến của chính quyền Thượng Hải nhằm hỗ trợ những người trẻ đang tìm việc, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường việc làm Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Nhiều quận của Thượng Hải đã triển khai chương trình nhà ở miễn phí cho người đi xin việc, với điều kiện họ phải hoàn thành chương trình đại học, sau đại học hoặc tiến sĩ trong năm nay và nhận được lời mời phỏng vấn việc làm từ một doanh nghiệp tại địa phương.
Tương tự, nhiều thành phố của tỉnh Giang Tô bố trí nơi ở miễn phí trong 14 ngày cho người chờ xin việc, trong khi ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, bất kỳ ai dưới 35 tuổi tốt nghiệp cao đẳng trở lên đều có thể đăng ký lưu trú miễn phí 7 ngày tại các khách sạn đã được chỉ định.
Trên khắp Trung Quốc, ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố triển khai chương trình trợ cấp chỗ ở cho giới trẻ đang tìm việc-đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp-với mục đích giảm bớt gánh nặng tài chính cho đối tượng này, đồng thời thu hút những tài năng trẻ tới làm việc.
Sinh viên tham gia hội chợ việc làm tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters
Sáng kiến này được đưa ra khi Trung Quốc đạt con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp, chiếm phần lớn trong tổng số 16,62 triệu người ở độ tuổi lao động mới cần tìm việc làm tại khu vực thành thị năm 2023. Trong khi đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 đã tăng cao gần mức kỷ lục, đạt 19,6% trong tháng 3, tức là cứ 5 người trẻ thì 1 người không có việc làm.
Tạo việc làm cho bấy nhiêu con người quả là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Chính phủ Trung Quốc vừa công bố kế hoạch thúc đẩy việc làm, bao gồm hỗ trợ các tổ chức tài chính cung cấp những khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ để tạo việc làm mới; trợ cấp cho các công ty thuê sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc thanh niên thất nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp nhà nước tăng cường tuyển dụng; tạo thêm các vị trí công chức nhà nước dành cho giới trẻ, trả mức lương cao hơn cho người trẻ sẵn sàng tới làm việc tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, nghiên cứu thay đổi cơ cấu việc làm trong bối cảnh nhu cầu về lao động công nghệ cao đã tăng lên khi Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “công xưởng thế giới” sang sản xuất thông minh và cao cấp hơn. Thực tế cho thấy, trong khi áp lực tạo việc làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp chung đang gia tăng, nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để tuyển dụng nhân sự có trình độ cao trong quá trình cải cách và nâng cấp công nghệ sản xuất.
Khu vực tư nhân-chủ yếu là các công ty quy mô nhỏ-là một phần động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua, cung cấp tới 80% việc làm ở thành thị. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề sau thời kỳ đại dịch và cần có thời gian để hồi phục.
Về phía chính quyền, năm vừa qua, Trung Quốc đã cung cấp 25.000 vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, chiếm hơn 67% vị trí công chức quốc gia, tăng đáng kể so với tỷ lệ 40% những năm trước. Chính quyền trung ương đặt mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay và ưu tiên giải quyết vấn đề tìm kiếm việc làm cho người tốt nghiệp đại học.
Bộ Giáo dục nước này cũng yêu cầu các trường đại học, các trung tâm chuyển giao công nghệ tăng cường tuyển dụng vị trí trợ lý trong lĩnh vực nghiên cứu, kỹ thuật, tài chính, công nghệ… để tạo thêm việc làm cho sinh viên mới ra trường. Mặt khác, thúc đẩy các trường tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để điều chỉnh những khóa học, đào tạo các kỹ năng, chuyên ngành phù hợp với nhu cầu thị trường để sinh viên tốt nghiệp xong có thể đi làm ngay.
Những sáng kiến quốc gia mang tính chiến lược như việc khởi xướng vòng tròn kinh tế Thành Đô-Trùng Khánh, cụm Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Đồng bằng sông Dương Tử, khu vực Vịnh Lớn gồm Quảng Đông-Hồng Công-Macao… đang từng bước phát huy hiệu quả. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tập trung nguồn lực vào phát triển những khu vực quan trọng, thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố, thu hút nhiều công ty công nghệ cao thành lập văn phòng chi nhánh trong khu vực, thu hút nhân tài, tạo việc làm chất lượng cao, từ đó từng bước nâng cao chất lượng việc làm cho giới trẻ, đóng góp vào việc giải bài toán nhân lực cho quốc gia tỷ dân này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cau-chuyen-quoc-te-giup-nguoi-tre-tim-viec-728069
Ý kiến ()