Câu chuyện quốc tế: Cơn khát điện ở châu Á
Một số quốc gia châu Á đang vật lộn tới tình trạng thiếu điện, giữa bối cảnh giá năng lượng tăng cao, lạm phát leo thang và nắng nóng triền miên.
Theo Reuters, Bangladesh-nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc-đang đối mặt với khủng hoảng điện tồi tệ nhất kể từ năm 2013, một phần do thời tiết nắng nóng thất thường, một phần vì không thể trả hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu. Chỉ tính riêng nửa năm 2023, quốc gia này đã trải qua tổng cộng 114 ngày cắt điện, nghĩa là chỉ còn khoảng 70 ngày có điện bình thường. Đời sống của người dân cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bangladesh đối mặt khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Ảnh minh họa: Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
Đối với những người lao động chân tay và bán hàng rong thì cắt điện đồng nghĩa với cơn ác mộng. Cắt điện không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Ông Abdur Rahman suýt ngất khi chạy xe kéo dưới cái nắng gay gắt ở thủ đô Dhaka, Bangladesh. Giãi bày với phóng viên kênh Al Jazeera, ông than thở: “Không thể tiếp tục làm việc trong thời tiết như vậy”. Trong vài tuần qua, khu ổ chuột ở Dhaka nơi ông Rahman sống hầu như không có điện vào ban đêm. “Sau một ngày lao động vất vả, tôi thường đi ngủ. Nhưng bây giờ giấc ngủ của tôi chập chờn vì không có quạt. Tôi thức dậy nhiều lần, nhễ nhại mồ hôi”.
Cuộc khủng hoảng điện làm tăng thêm tình trạng khốn khổ cho người dân Bangladesh khi họ quay cuồng trong đợt nắng nóng dài nhất nhiều thập niên của nước này. Hàng chục nghìn trường tiểu học tại Bangladesh phải đóng cửa khi nhiệt độ có nơi lên tới hơn 40 độ C. Trong khi đó, tình trạng mất điện liên tục và kéo dài từ 8 đến 10 tiếng/ngày làm gián đoạn dây chuyền sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ bàn giao sản phẩm và chi phí tăng cao.
Sazzad Hossain, chủ một cơ sở may mặc tại Bangladesh cho hay, máy móc trong xưởng nằm im hàng tiếng do thường xuyên cắt điện. “Khách hàng đã đề ra thời hạn giao hàng và nếu chúng tôi không hoàn thành đúng hạn, người mua sẽ không trả tiền”, ông nói. Để giữ chân khách, Hossain buộc phải chọn giải pháp thay thế tốn kém hơn là thuê máy bay vận chuyển để kịp thời hạn giao hàng. “Nhưng làm như vậy đồng nghĩa với việc không còn đồng lãi nào, thậm chí lỗ”, ông than thở.
Cần biết rằng, các ngành công nghiệp ở Bangladesh, trong đó có ngành may mặc đóng góp hơn 80% tỷ trọng xuất khẩu của đất nước. Cuộc khủng hoảng về điện khiến nguồn thu từ xuất khẩu của Bangladesh bị co hẹp và càng làm dự trữ ngoại hối sụt giảm.
Điều đáng nói là tình trạng này không chỉ diễn ra ở Bangladesh. Pakistan và Sri Lanka cũng là những quốc gia đang chịu cơn khát điện nghiêm trọng.
Theo trang Eurasia Review, từ “giảm tải” có thể xa lạ với công dân các nước đã phát triển, nhưng đối với những người sống ở Pakistan, đó lại là thực tế họ trải qua hằng ngày. Nền kinh tế quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán trầm trọng trong bối cảnh đồng rupee giảm giá mạnh khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu leo thang. Hơn 30% nhu cầu điện hằng năm được đáp ứng bằng khí tự nhiên nhập khẩu khiến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này phải gánh thêm áp lực từ giá nhiên liệu tăng vọt. Để giải quyết tình trạng thiếu điện, quốc gia Nam Á đã công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng, theo đó, các cửa hàng và trung tâm thương mại sẽ phải đóng cửa trước 8 giờ tối, người dân được yêu cầu chuyển sang sử dụng đèn Led. Chính phủ tin rằng những biện pháp này có thể giúp Pakistan tiết kiệm tới 1 tỷ USD mỗi năm. Nhưng những biện pháp trên chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Pakistan vẫn hướng tới cải cách năng lượng thông qua khởi động các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Đây cũng là điều mà Sri Lanka-quốc gia đã trải qua tình trạng hỗn loạn kinh tế, cắt điện kéo dài và cạn kiệt xăng dầu-theo đuổi. Trang indianarrative.com cho hay, Sri Lanka dự định ký một bản ghi nhớ với Ấn Độ để hoàn thành mục tiêu tạo ra 70% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Điều này sẽ giúp Sri Lanka đạt được mục tiêu kép, vừa tự chủ trong việc sản xuất điện, vừa giảm đáng kể lượng khí thải carbon vào năm 2050.
Những gì diễn ra tại Bangladesh, Pakistan hay Sri Lanka có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để sản xuất điện. Do vậy, một chiến lược dài hạn bảo đảm an ninh năng lượng là vô cùng quan trọng đối với những nền kinh tế đang phát triển và không ngừng mở rộng.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-con-khat-dien-o-chau-a-732212
Ý kiến ()