Câu chuyện quốc tế: Cam kết có trách nhiệm
“Trung tâm 911 đang hoạt động hoàn toàn bình thường. Nếu bạn là khách hàng của nhà cung cấp mạng viễn thông AT&T và không thể quay số vào đường dây nóng được, hãy thử dùng điện thoại cố định có dây, hoặc nhờ bạn bè, người thân sử dụng dịch vụ của các công ty khác”, Sở cứu hỏa của thành phố San Francisco, bang California, Mỹ thông báo trên mạng xã hội X.
Những khuyến nghị tương tự cũng được đăng tải bởi các sở cảnh sát và văn phòng quản lý khẩn cấp ở nhiều nơi khác như Irving (bang Texas), Prince William (Virginia), Charlotte-Mecklenburg (North Carolina) hay Chicago (Illinois) ngay sau khi hàng chục nghìn thuê bao của các hãng AT&T, Verizon, T-Mobile và Cricket Wireless bị “sập mạng” trong nhiều giờ vào ngày 22-2. Sự cố bất ngờ này gây gián đoạn các cuộc gọi, tin nhắn, dịch vụ dữ liệu và đặc biệt là dịch vụ khẩn cấp tại nhiều thành phố lớn của xứ cờ hoa.
Thống kê của trang Down Detector chuyên theo dõi sự cố mạng toàn cầu cho biết, tính tới khoảng 9 giờ 30 phút sáng 22-2 theo giờ miền Đông nước Mỹ, AT&T bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Cụ thể, có tới hơn 73.000 báo cáo mất kết nối mạng, chủ yếu ở các thành phố Houston, New York, Atlanta, Miami và Chicago, song đã ảnh hưởng tới các thuê bao di động trên cả nước. Sự cố bắt đầu xảy ra vào khoảng 6 tiếng trước đó và phải tới khoảng 15 giờ cùng ngày mới được khắc phục. Trong một tuyên bố, AT&T không tiết lộ chính thức có bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng cho biết dựa trên đánh giá ban đầu, nguyên nhân dẫn đến sự cố là do “áp dụng và thực hành quy trình không chính xác khi mở rộng mạng lưới, không phải tấn công mạng”.
AT&T có hơn 73.000 trường hợp mạng di động ngừng chạy. Nguồn: Getty Images |
Bên cạnh các bình luận bày tỏ sự thất vọng, bức xúc về sự cố phiền phức này và sau thông cáo có phần “nhẹ tênh” của AT&T thì nhiều người dùng mạng xã hội cũng để lại những lời nhắn hài hước như: “Còn ai dùng điện thoại cố định có dây vào năm 2024 này đâu”, “Nếu bạn lên cơn đau tim, hãy lết ra ngoài vẫy taxi”, “Ảnh hưởng của bão mặt trời chăng”, “Đến 311 còn không được huống hồ 911” (311 tại Mỹ là dịch vụ viễn thông để người dân liên hệ đến chính quyền địa phương về những vấn đề hằng ngày, đồng thời là kênh tiếp nhận thay cho 911 khi bị từ chối vì cuộc gọi không khẩn cấp).
Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại không nghĩ sự việc đơn giản như vậy. Theo Reuters, AT&T là hãng viễn thông lớn nhất nước Mỹ, với hơn 240 triệu thuê bao và cung cấp dịch vụ 5G phủ sóng tới khoảng 290 triệu người dân ở trên 24.500 thành phố và thị trấn lớn nhỏ khắp nước Mỹ. Do vậy, các cơ quan an ninh liên bang bao gồm Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC), Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cục Điều tra liên bang (FBI) đã liên lạc với AT&T để điều tra nguyên nhân. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh rằng, mặc dù AT&T thông báo không có lý do để tin đây là một sự cố an ninh mạng nhưng hiện chưa có kết luận cuối cùng cho tới khi kết quả điều tra được công bố.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, kết nối di động được xem là công cụ thiết yếu, không thể tách rời với mỗi người. Việc dịch vụ mạng của nhiều nhà cung cấp mất kết nối dù chỉ ít phút thôi, cũng sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của rất nhiều cá nhân, tổ chức, chưa nói đến những thuê bao không thực hiện được giao dịch liên quan đến ngân hàng, hành chính quan trọng, cấp thiết. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các nhà mạng Mỹ gặp sự cố. Ngay trung tuần tháng này, AT&T, Verizon và T-Mobile cũng gặp sự cố với các dịch vụ âm thanh, thư tín và dữ liệu ở một số khu vực. Hay có thể kể đến năm 2021, nhà chức trách Mỹ tiến hành điều tra T-Mobile do sự cố “sập mạng” kéo dài hơn 12 tiếng, dẫn tới hơn 20.000 cuộc gọi đến 911 thất bại. Hãng này sau đó phải trả gần 20 triệu USD để dàn xếp vụ việc.
Trong tôn chỉ hoạt động của mình, bất cứ nhà mạng nào cũng đều cam kết “duy trì kết nối của khách hàng là ưu tiên hàng đầu”. Và họ rất cần thực hiện khẩu hiệu đó một cách có trách nhiệm.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-cam-ket-co-trach-nhiem-766227
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()