Câu chuyện quốc tế: Cấm bán hàng trên mạng - “kẻ mừng, người lo”
Hậu Covid-19, bán hàng trên internet trở thành kế sinh nhai cho hàng triệu người dân Indonesia. Nhưng giờ đây, sau lệnh cấm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội mới được Chính phủ nước này ban hành, nhiều người lo lắng không biết sẽ làm gì để kiếm sống.
Lo thì có người vẫn lo nhưng những tiểu thương ở các khu chợ hay cửa hàng bán lẻ lại khấp khởi mừng với hy vọng hoạt động buôn bán của mình sẽ khởi sắc hơn. Các tiểu thương này bị lấy đi phần lớn lượng khách hàng do sự bùng nổ của thương mại điện tử và hoạt động bán hàng trực tuyến trong suốt những năm qua, do dịch Covid-19 và được tiếp sức bởi sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội cũng như các nền tảng bán hàng trực tuyến khác.
Thống kê cho thấy các giao dịch thương mại điện tử ở Indonesia lên tới gần 52 tỷ USD vào năm ngoái và trong số đó, 5% diễn ra trên TikTok. Hiện có hơn 2 triệu người dùng Indonesia sử dụng tính năng TikTok Shop để bán hàng và lệnh cấm rõ ràng là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của một bộ phận người dân.
![]() |
Bùng nổ hoạt động bán hàng trên mạng xã hội sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Mạng xã hội TikTok đã chính thức ngừng tính năng TikTok Shop tại Indonesia nhằm tuân thủ lệnh cấm, theo đó cho phép quảng cáo sản phẩm nhưng không được trực tiếp giao dịch mua bán sản phẩm đó-tính năng này cho phép người dùng TikTok mua bán ngay trên mạng xã hội này như một sàn thương mại điện tử thông thường. TikTok buộc phải tuân thủ quy định này nếu không sẽ phải đóng cửa ở Indonesia.
Indonesia đã khẳng định quan điểm rõ ràng: “Mạng xã hội là mạng xã hội chứ không thể là sàn thương mại điện tử”. Ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, nêu rõ “phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử phải hoàn toàn tách biệt”. Lý do được đưa ra là nhằm bảo vệ hàng triệu đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ của nước này cũng như các nhà bán lẻ truyền thống. Bộ Thương mại Indonesia cho rằng, việc những người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thường bán sản phẩm phá giá, với mức giá rất thấp gây đe dọa đến thị trường trực tiếp của nước này. Ngoài việc cấm kinh doanh trên mạng xã hội, quy định mới cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu 100USD cho một số mặt hàng được mua trực tiếp từ nước ngoài. Tất cả sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương.
Nhưng trên thực tế, có nguyên nhân sâu xa đằng sau hành động nghiêm ngặt của Chính phủ Indonesia, trong đó có mối lo ngại vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Bộ trưởng Hasan nói lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức nhằm ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân vì lợi ích kinh doanh. Ở Mỹ, hai giám đốc điều hành của Facebook và TikTok đều từng phải điều trần ở Đồi Capitol về việc khai thác và sử dụng thông tin người dùng. Việc lệnh cấm của Indonesia cũng đề cập tới nội dung này cho thấy các nhà chức trách nước này đã nghi ngại về sự an toàn và bảo mật của người dùng trên mạng xã hội.
TikTok gặp trở ngại ở Indonesia trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang lo ngại vấn đề an ninh liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội này. Hiện TikTok vẫn đang phải đối mặt với trở ngại do các quy định siết chặt ở Mỹ và châu Âu, phần lớn là về các vấn đề an ninh quốc gia.
Đông Nam Á hiện là thị trường tăng trưởng quan trọng của TikTok, nhưng đặt trường hợp các quốc gia khác ở khu vực cũng làm theo Indonesia trong việc cấm các công ty truyền thông xã hội bán hàng, điều đó có thể làm suy yếu tiềm năng thương mại của ứng dụng này. Với 125 triệu người dùng, Indonesia hiện là thị trường lớn thứ hai thế giới của TikTok, chỉ đứng sau Mỹ. Quốc gia vạn đảo cũng là một trong những thị trường TikTok Shop lớn nhất toàn cầu. Nên lệnh cấm của Indonesia được cho là sẽ tác động đáng kể tới doanh thu của nền tảng này. Giám đốc điều hành của Viện Phát triển kinh tế và tài chính ở thủ đô Jakarta (Indonesia)-ông Tauhid Ahmad-dự báo khả năng TikTok sẽ thua lỗ với lệnh cấm mới vì mạng xã hội này thu phí hoa hồng ở mỗi giao dịch bán hàng trên nền tảng.
Xung quanh lệnh cấm của Indonesia có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều nhà bán lẻ trên các nền tảng mạng xã hội cho rằng, Chính phủ Indonesia có thể áp các quy định nghiêm ngặt hơn đối với những sản phẩm hàng hóa nhập từ nước ngoài để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước chứ không nên chỉ nhắm vào các nền tảng. Còn theo TikTok, việc tách rời mạng xã hội và thương mại điện tử gây phương hại đến đổi mới sáng tạo. Việc cấm cũng gây thiệt hại tới chính người bán hàng và người tiêu dùng Indonesia.
Nhưng cho dù thế nào, rõ ràng Indonesia đã “ra đòn” có chủ đích, vì cho đến nay, TikTok là mạng truyền thông xã hội duy nhất ở nước này điều hành cửa hàng thương mại điện tử riêng của mình với dịch vụ thanh toán.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-cam-ban-hang-tren-mang-ke-mung-nguoi-lo-746140

Ý kiến ()