Câu chuyện quốc tế: “Bom hẹn giờ”
Bà Noi, một góa phụ 73 tuổi sống ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), lâu nay đã trở thành gương mặt thân quen đối với các tình nguyện viên của tổ chức Trợ giúp cộng đồng Bangkok-nơi cung cấp bữa ăn cho 500 người vô gia cư và người nghèo địa phương mỗi ngày. Dù trời nắng nóng hay mưa rào, bà đều kiên nhẫn đứng trong dòng người nối dài để chờ nhận được suất cơm miễn phí mà bà coi là “thịnh soạn, cứu cánh” từ đơn vị này.
“Nếu không tới được vì thời tiết quá xấu, bánh mì với sốt cà chua sẽ là món ăn duy nhất của tôi”, bà Noi bộc bạch, đồng thời chia sẻ rằng khoản lương hưu chỉ khoảng 0,82USD/ngày khiến việc nấu ăn tại nhà gần như không thể, trong khi bản thân còn phải chắt chiu từng đồng để lo việc cá nhân sau này.
Hay như bà Chusri, 73 tuổi, đang “chạy ăn từng bữa” khi phải chăm chồng ốm nặng và con cái đều khó khăn nên cũng chẳng giúp được gì cha mẹ già. Ngồi trong căn nhà nhỏ xập xệ, bong tróc sơn và hầm hập mùi ẩm mốc tại khu ổ chuột Khlong Toei ở Bangkok, bà Chusri có nằm mơ cũng chưa bao giờ nghĩ ngày nào đó dành đủ tiền sửa được nhà. Lý do là bởi ngoài việc phải vay tiền hằng tháng để mua sữa đưa vào ống truyền thức ăn cho chồng, bà còn xin khất đóng tiền điện tới 5 tháng nay.
Ảnh minh họa: Asialink/VTV
Những hoàn cảnh như bà Noi và gia đình bà Chusri không phải là hiếm trong số hơn 12 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 18% dân số Thái Lan, đang phải đối mặt. Một nghiên cứu từ ngân hàng Kasikorn của Thái Lan chỉ ra rằng, hiện tình trạng nghèo đói ở nhóm người lớn tuổi tại nước này đã lan rộng, khi 34% người cao tuổi sống dưới mức nghèo khổ, với mức thu nhập bình quân hằng năm chỉ từ 830USD trở xuống. Các nguyên nhân chính được chỉ ra là chi phí sinh hoạt và chi tiêu y tế ngày càng tăng vọt trong khi thu nhập thấp, khoản tiết kiệm có hạn và lương hưu không thỏa đáng.
Mặt khác, Thái Lan đang trở thành một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới. Ước tính đến năm 2029, xứ chùa vàng sẽ chính thức gia nhập vào danh sách “các xã hội siêu già hóa” với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, không giống một số quốc gia già hóa khác như Nhật Bản và Đức, Thái Lan vẫn chưa đạt được mức độ giàu có cần thiết để thích nghi.
Theo nhà phân tích Kirida Bhaopichitr tại Viện Nghiên cứu và phát triển Thái Lan, một người cao tuổi muốn hưởng cuộc sống nghỉ hưu dư dả ở Bangkok cần tiết kiệm ít nhất 100.000USD, nhưng rất nhiều trong số đó đang nghỉ hưu với số tiền trong túi dưới 1.300USD. Hồi tháng 8, chính phủ sắp mãn nhiệm còn thông báo hạn chế mức lương hưu phổ thông ở từ 16 đến 27USD/tháng đối với nhóm thu nhập thấp, khiến 6 triệu người rơi vào cảnh bị cắt giảm. Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan cũng tuyên bố chưa thể đáp ứng lời kêu gọi tăng lương hưu lên 81USD/tháng vì chính phủ không đủ khả năng chi trả. “Thái Lan sẽ đối mặt với “bom hẹn giờ” dân số già”, nhà phân tích Bhaopichitr nhận định.
Trước thực trạng đó, ngay sau khi đắc cử, tân Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan Srettha Thavisin cam kết sẽ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng vào năm 2027 và quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Đảng Pheu Thai của ông Thavisin cũng đưa ra cam kết bầu cử về gói phúc lợi người cao tuổi trị giá 8,1 tỷ USD. Ngoài ra, Bộ Lao động Thái Lan đang xem xét nâng tuổi nghỉ hưu lên trên mức 55-60 tuổi hiện nay. “Kẻ thù của chúng ta là nghèo đói của người dân và bất bình đẳng. Mục tiêu của tôi là sinh kế tốt hơn cho tất cả người dân Thái Lan”, ông Thavisin từng nhấn mạnh trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-bom-hen-gio-748133
Ý kiến ()