Câu chuyện quanh chiếc mũ bảo hiểm
Năm 2007, việc áp dụng toàn dân đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe máy thành công ở Việt Nam được đánh giá là một trong những "điểm sáng" của thế giới. Tuy nhiên gần đây, số người chấp hành quy định này có xu hướng giảm và "biến tướng" đội các loại mũ không phải MBH. Câu chuyện quanh chiếc MBH tưởng như nhỏ và không mới, nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý đã phải rất vất vả khi điều chỉnh chính sách nhằm ngăn chặn trăm nghìn kiểu đối phó của một bộ phận người dân, cho thấy đây vẫn là vấn đề lớn và không hề cũ.
“Ðiểm sáng” tối dần
TS Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia có nhiều năm nghiên cứu về MBH nhận định: Ngay sau khi áp dụng quy định bắt buộc đội MBH, vào năm 2008, số người chết vì TNGT đã giảm đi 1.500 người, có sự góp sức đắc lực của chiếc MBH nhỏ bé. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đội MBH đạt chuẩn, cài dây đúng cách có thể giảm tỷ lệ tử vong hơn 40% và giảm gần 70% chấn thương sọ não. Thời gian đầu, chiếc MBH cơ bản đạt chất lượng, nhà sản xuất có trách nhiệm, sản phẩm đều được kiểm định trước khi đến tay người tiêu dùng. Chủ trương bắt buộc đội MBH nhằm bảo vệ người ngồi trên xe máy, giảm thương vong nếu chẳng may xảy ra va chạm, tai nạn, song một số người, đặc biệt trong tầng lớp thanh, thiếu niên lại đội MBH chỉ để đối phó, tránh bị xử phạt. Vì thế, một số cơ sở sản xuất gia công đã chế tạo các loại MBH thời trang, mũ cho người đi xe đạp, mũ thể thao, tránh nắng,… Loại mũ này làm bằng nhựa tái sinh chất lượng kém, mầu sắc rất đa dạng và bắt mắt, được bày bán la liệt từ vỉa hè phố phường đến ngõ ngách xóm thôn, giá rẻ bất ngờ. TS Khương Kim Tạo cho biết, các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng đã vướng không ít khó khăn khi xử phạt người đội loại mũ thời trang. Mũ thời trang đã tồn tại nhiều năm, mặc dù không ít lần Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành, địa phương,… ra quân chỉ đạo nhưng ngay các cơ quan chức năng vẫn còn tranh cãi vì quan điểm trái chiều, cho nên cuối cùng vẫn không tìm được biện pháp nào xử lý triệt để.
Trong dịp Tết vừa qua, lực lượng chức năng lơ là các biện pháp tuần tra, xử lý vi phạm về MBH ở vùng nông thôn, đã khiến TNGT vùng nông thôn tăng cao đột biến. Vắng bóng cảnh sát giao thông, thanh thiếu niên các thôn xóm tụ tập đi chơi Tết đã thoải mái uống rượu bia, chở ba, bốn người, không đội MBH phóng nhanh, chạy ẩu trên đường làng. Khi xảy ra tai nạn, hầu hết đều bị thương tích nặng, chấn thương sọ não, nhiều trường hợp tử vong. Theo Nghị định 171 của Chính phủ, từ ngày 1-1 vừa qua, người đi trên mô-tô, xe máy đội mũ không phải MBH dành cho mô-tô, xe máy vẫn bị xử phạt như không đội MBH. Ðây là bước tiến quan trọng của cơ quan quản lý, nhằm hoàn thiện quy định về MBH. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là quy định này đã không được triển khai, thực thi một cách nghiêm túc. Với đặc thù 95% số phương tiện giao thông ở nước ta là xe máy, không phải bàn cãi về tính đúng đắn của chương trình toàn dân đội MBH. Qua các đợt kiểm tra gần đây, con số được công bố khiến nhiều người giật mình: 84% số MBH được người dân sử dụng không có khả năng bảo vệ đầu và sọ não. Rõ ràng, một chủ trương hết sức nhân văn đã bị đối phó theo chiều hướng khác và hiệu quả vì thế giảm sâu.
Phân biệt MBH đạt chuẩn có quá khó?
Người tiêu dùng đang đứng trước “ma trận” MBH với đủ chủng loại, từ MBH thật sự an toàn đến các loại mũ thời trang, MBH giả, nhái. Về nguyên tắc, MBH đạt chuẩn phải đáp ứng tiêu chuẩn của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 2:2008/BKHCN) hay gọi tắt là MBH hợp quy. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào những dấu hiệu trực quan sau để nhận biết và lựa chọn MBH hợp quy: Kết cấu MBH có đủ ba bộ phận vỏ nhựa bên ngoài (ngăn chặn va đập trực tiếp); đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (rắn chắc, làm giảm chấn động); quai đeo (đủ độ bền, giữ chắc mũ). Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Mũ phải có đầy đủ các thông tin như tên sản phẩm “MBH cho người đi mô-tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc cơ sở nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR,…
Với hàng loạt tiêu chuẩn nêu trên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ khó lòng nhớ hết. Nhưng thực tế, không quá khó để phân biệt giả, thật, người dân bình thường cũng không “bị lừa” trước mũ thời trang. “Tiền nào, của nấy”, chiếc mũ nhựa mềm oặt, lớp đệm mỏng tanh, quai đeo hời hợt, giá hai, ba chục nghìn đồng không thể là “mũ xịn”. Nhưng lực lượng chức năng vẫn khó xử lý tình trạng MBH giả, nhái, mũ thời trang tràn lan hiện nay vì tiêu chí đưa ra chỉ định tính, thiếu cụ thể, không rõ ràng, thậm chí một số chuyên gia đánh giá có tiêu chí chưa thật sự phù hợp. Chẳng hạn, nhiều MBH nhái, giả vẫn được dán tem CR, hoặc có những chiếc MBH sản xuất ở nước ngoài được nhập về, tuy chất lượng rất tốt nhưng lại không hợp quy,… Theo chúng tôi, cần quản lý MBH thiên về chất lượng, không nên quá chú trọng hình thức nhãn mác, bởi CR không phải “tem bảo hành” giúp người tiêu dùng phân biệt giả, thật.
Có thể thấy, câu chuyện quanh chiếc MBH đạt chuẩn vẫn còn nhiều điều phải bàn. Ðể “điểm sáng” chương trình toàn dân đội MBH không bị lụi tàn theo thời gian, trước mắt cần sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, quan điểm từ các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, sau đó tiến tới mở rộng tuyên truyền, làm thay đổi thói quen của người dân. Các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý triệt để MBH cần được tiếp tục hoàn thiện; công tác phối hợp phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp sản xuất MBH cần nêu cao trách nhiệm và uy tín của mình trong việc bảo đảm chất lượng, tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để ngăn ngừa các loại MBH kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái lưu thông trên thị trường. Sản xuất mũ giả, mũ thời trang,… của một số doanh nghiệp cần coi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, phải sớm được loại bỏ. Hiện nay, thói quen dễ nhận thấy của đại bộ phận người dân khi mua một chiếc xe máy, kể cả loại xe tương đối rẻ tiền, đều có xu hướng bỏ ra một khoản tiền nhất định để trang bị các phụ kiện bảo vệ xe như dán ni-lon chống xước, bộ gái-nox cho đèn pha, xi-nhan, vỏ nhựa. Tuy nhiên, rất ít người dám bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua một chiếc MBH loại tốt để bảo vệ cho chính mình, tránh những hậu quả đáng tiếc lẽ ra sẽ không xảy ra. Phải chăng, đây là một nghịch lý mà để thay đổi được, cần một quá trình nhận thức dài lâu?
Theo Nhandan
Ý kiến ()