Câu chuyện ở vùng thuốc lá Bắc Sơn
LSO-Vụ thuốc lá năm trước, toàn huyện Bắc Sơn trồng trên 2,7 nghìn héc ta thuốc lá, vượt 4% kế hoạch. Thế nhưng, giá thuốc lá lại giảm xuống, trung bình chỉ còn 35.000 đồng/kg, trong khi theo tính toán, mức giá trung bình phải từ 40.000 đồng/kg trở lên, nhà nông mới có lãi. Mất giá khiến cho thuốc lá vụ xuân năm nay của Bắc Sơn giảm mạnh. Vùng sản xuất nguyên liệu lớn và hiệu quả ở Bắc Sơn đang mất dần tính ổn định.
Nông dân huyện Bắc Sơn trồng thuốc lá xuân |
Cuối tháng 3, gia đình chị Dương Thị Tuyết, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Sơn mới bắt đầu trồng thuốc lá. Thời điểm này mọi năm đã là cuối thời vụ gieo trồng, nếu có trồng thì chỉ là trồng dặm, bổ sung. Chị Tuyết chia sẻ: năm nay, người trong làng bỏ trồng thuốc lá nhiều lắm, bởi năm ngoái, giá thu mua xuống thấp, làm tốn nhiều công mà không có lãi. Thấy người trong làng bỏ nhiều, gia đình chị Tuyết cũng không dám trồng ngay mà nghe ngóng xem sao, nghe ngóng mãi, nhưng nhà mình chưa có hướng chuyển sang loại cây mới, vì vậy cố trồng hết diện tích 7 sào thuốc lá, mong sao năm nay ít người trồng, thuốc lá lại có giá. Ông Dương Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: ước chừng vụ xuân năm nay, diện tích thuốc lá trong toàn xã chỉ ở mức 10 ha, giảm khoảng 60% so với năm trước. Nguyên nhân thì đúng như bà con phản ánh, làm mất nhiều công mà giá lại quá thấp, không có lãi. Những diện tích thuốc lá trước kia, nay bà con chuyển sang trồng ngô và cấy lúa xuân. Không chỉ ở xã Bắc Sơn, mà trên toàn huyện Bắc Sơn năm nay diện tích thuốc lá giảm mạnh. Ông Dương Thời Thịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: qua kiểm tra, diện tích thuốc lá tại các xã đều giảm, ít thì giảm 30%, thậm chí có xã giảm đến 80%. Tính đến trung tuần tháng 3/2015, toàn huyện mới trồng được trên 800 ha thuốc lá, đạt hơn 30% so với kế hoạch.
Thực chất vùng thuốc lá Bắc Sơn từ trước đến nay luôn được đánh giá là vùng cây nguyên liệu có hiệu quả kinh tế và tương đối ổn định. Hiện nay có đến 14 doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh sản xuất và thu mua sản phẩm thuốc lá trên địa bàn huyện. Về công tác quản lý nhà nước, UBND huyện cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định. Căn cứ vào năng lực, trách nhiệm của các doanh nghiệp, UBND huyện đã lựa chọn và ký kết hợp đồng nguyên tắc đầu tư và thu mua sản phẩm, thời gian từ 2-5 năm, trong đó có phân vùng cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Trong hội nghị triển khai sản xuất đông xuân 2014-2015, huyện Bắc Sơn đã báo cáo chuyên đề về cây thuốc lá. Tại đây, các đại biểu đã chỉ ra: một số doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các chính sách đã ký trong hợp đồng như chính sách đầu tư, chính sách khuyến nông… đặc biệt là tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân theo hợp đồng chậm và chưa thu mua hết. Việc đầu tư không hoàn lại chưa nhiều, cũng là nguyên nhân đội chi phí sản xuất. Trong khi đó, một số hộ gia đình cũng chưa triệt để áp dụng các biện pháp chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng và vẫn còn tình trạng không bán sản phẩm cho nhà đầu tư trực tiếp; vai trò của ban chỉ đạo sản xuất các xã còn mờ nhạt… Những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến tính ổn định của vùng nguyên liệu thuốc lá Bắc Sơn.
Ông Dương Thời Thịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chia sẻ: qua việc này, chung tôi cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là: cần có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các loại hợp đồng đã được ký kết giữa UBND huyện, cơ quan chuyên môn, chính quyền xã với các nhà đầu tư; giữa các nhà đầu tư với nhóm hộ, hộ gia đình trong đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện đúng quy trình chăm sóc, nâng cao năng suất chất lượng và tuân thủ hợp đồng, thì chính các nhà đầu tư cũng cần phải chủ động lấy lợi ích của người trồng thuốc lá tại vùng đầu tư làm trọng để phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Đã là cuối khung thời vụ gieo trồng thuốc lá, mục tiêu trồng 2.650 ha thuốc lá mà Bắc Sơn đề ra trong năm 2015 là không thể thực hiện được. Hiện nay, các xã trên địa bàn đang khẩn trương vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích, không để đất trống, thay thế bằng các loại cây như ngô, rau màu và cây thực phẩm.
Theo quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 2/7/2014, đến năm 2015, diện tích thuốc lá được quy hoạch cho toàn vùng (Chi Lăng, Bắc Sơn, Hữu Lũng) là hơn 5,1 nghìn héc ta. Trong đó, vùng Bắc Sơn là trên 2,8 nghìn héc ta. Để có thể thực hiện được quy hoạch và quan trọng hơn là để tiếp tục duy trì hiệu quả, sự ổn định của vùng sản xuất nguyên liệu, cần có một hệ thống giải pháp phù hợp, dài hơi dựa trên các bài học kinh nghiệm đã rút ra từ thực tiễn.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()