Câu chuyện kinh tế tuần hoàn Việt Nam qua ý kiến doanh nghiệp ngoại
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu đề cập về nền kinh tế tuần hoàn, một mô hình hoàn toàn mới, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, vừa diễn ra hôm qua (12/9).
Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là mô hình trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ… đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Theo đó, nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4.500 tỷ USD cho doanh nghiệp toàn cầu, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.
Chia sẻ về câu chuyện thành công của Heineken Việt Nam trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng, ông Matt Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Những sáng kiến này bao gồm: Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn.
Cũng theo ông Matt Wilson, sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam là ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thực hiện thành công 3 mục tiêu: Thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của thương hiệu.
Bên cạnh câu chuyện của Heineken Việt Nam, từ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang rất tích cực trong vấn đề này.
Đại diện của Unilever Việt Nam cho biết tại thị trường Việt Nam, mỗi ngày có 35 triệu sản phẩm của Unilerver được tiêu thụ, nên việc quản lý, xử lý liên quan đến bao bì, rác thải nhựa là thứ được quan tâm. Unilever đang tập trung vào 3 chiến lược: Giảm thiểu rác thải nhựa, dùng nhựa tốt hơn và không sử dụng bao bì nhựa.
Trong khi đó, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam nói: “Tôi không thích từ rác. Nếu không sử dụng mà chôn lấp chúng là lãng phí tài nguyên. Hãy đưa chúng trở lại, chia sẻ với khách hàng”.
Ông Adam Ward, đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam nhận định: Khu vực tư nhân đóng vai trò năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm. Đây là nhân tố giúp kinh tế tuần hoàn Việt Nam có thể “cất cánh”.
Viện GGGI đã phân tích hoạt động sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo của ngành đường Việt Nam. Kết quả cho thấy, rất khó thu hút đầu tư vào điện bã mía với mức giá 5,8 UScent/kWh, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bỏ lỡ tiềm năng tạo ra hơn 700 MW từ điện bã mía.
Điện sinh khối từ bã mía chỉ trở nên hấp dẫn như điện gió hay điện mặt trời khi giá bán được nâng lên 9,35 UScent/kWh. Để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, Chính phủ cần điều chỉnh giá bán điện sinh khối từ bã mía lên mức thích hợp nhằm tăng sức cạnh tranh của các nhà máy đường, ông Adam Ward đề xuất.
“Xây dựng mô hình hợp tác liên kết là cần thiết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhằm huy động sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo, cùng với đó là sự chủ động tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự và đối tác phát triển, mà ở đó vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới là rất quan trọng”, ông Adam Ward kiến nghị.
Đại diện Unilever nhận định, việc thay đổi mô hình hoạt động theo hướng tuần hoàn là điều cần thiết khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên quá “nóng” và có những tác động tiêu cực đến cuộc sống. Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển. Đại diện Unilever cho rằng, cần thực hiện giải pháp đồng bộ, thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như thói quen sinh hoạt của người dân để giảm thiếu vấn đề này.
Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ euro mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. |
Theo Chinhphu
Ý kiến ()