Thứ 6, 22/11/2024 23:10 [(GMT +7)]
Câu chuyện dân số ở Hữu Lân
Thứ 5, 13/10/2011 | 14:30:00 [(GMT +7)] A A
Ông Nông Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết thêm: xã sẽ chỉ đạo Ban dân số, Trạm y tế đẩy mạnh tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho chị em nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiếp tục vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân số, KHHGĐ và có trách nhiệm nuôi dạy con cái thật tốt. Hiện mức chi trả phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên dân số là 50.000 đồng/người/tháng. Như vậy là quá thấp, so với công sức họ bỏ ra, do đó rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức phụ cấp này lên để mạng lưới này hoạt động có hiệu quả hơn.
LSO-Những năm gần đây, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, điển hình như xã Hữu Lân huyện Lộc Bình.
Vợ chồng chị Nông Thị Tàn và 2 trong số 4 con, thôn Nà Tấng xã Hữu Lân (Lộc Bình) |
Theo thống kê, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã Hữu Lân luôn ở mức cao so với mặt bằng chung của huyện và 2 năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Riêng năm 2010, trong 48 trẻ sinh ra đã có 10 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 19,6% và tăng 1% so với năm 2009; 9 tháng đầu năm 2011 đã có 6 trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên, trong đó có 3 trẻ là con thứ 4, thứ 5.
Theo ông Nông Văn Bằng – Chủ tịch UBND xã Hữu Lân thì số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên ở nơi đây đều rơi vào các cặp vợ chồng sinh con một bề, nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) còn hạn chế; nhiều người vẫn còn quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, nhà đông con mới có phúc hay phải có con trai để nối dõi tông đường nên công tác KHHGĐ của xã kém hiệu quả. Chị Phùng Thị Sâm ở thôn Nà Tấng xã Hữu Lân năm nay mới 32 tuổi đã sắp có con thứ 3. Khi hỏi về nguyên nhân vì sao lại đẻ nhiều, chị Sâm tâm sự: Vì 2 đứa con đầu là gái nên nhà chồng muốn có con trai để lo hương hỏa sau này nên thúc giục chị sinh đứa con thứ 3.
Trong số chị em phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên của toàn xã, đại đa số đều thuộc diện hộ nghèo, chiếm khoảng 50%. Bởi vậy việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và có điều kiện nuôi con đầy đủ sẽ rất khó khăn. Trước thực trạng như vậy, Ban dân số xã phân công 11 cộng tác viên chuyên trách ở 8 thôn bản. Hàng năm Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… phối hợp vận động chị em thực hiện KHHGĐ và chính sách, Pháp lệnh về dân số.
Hiện nay xã Hữu Lân có 549 chị em ở độ tuổi sinh đẻ, nhưng số chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ chỉ đạt 57,2%. Nhiều chị em sinh con thứ 3 trở lên mới ở độ tuổi từ 25 đến 30 hay có những bà mẹ đã gần 40 tuổi nhưng vì gia đình chưa có con trai nối dõi nên vẫn cố đẻ. Chị Nông Thị Tàn ở thôn Nà Tấng 37 tuổi nhưng đã có 4 đứa con gồm 3 gái, 1 trai, đứa lớn năm nay đã 17 tuổi nhưng đứa bé thì mới lọt lòng. Anh Vi Văn Bỏ, chồng chị Tàn tâm sự: vợ chồng anh muốn có con trai nên sinh đứa thứ 3, sau đó không áp dụng biện pháp tránh thai nào nên bị vỡ kế hoạch sinh đứa thứ 4. Nhà nghèo, ruộng nương ít, chính vì thế mà nhìn vợ chồng chị Tàn và những đứa con ai cũng gầy guộc, đứa bé sinh ra bị nhẹ cân.
Sinh nhiều con, trước hết sẽ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng giới tính. Trong thời gian tới, để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn, Ban chỉ đạo dân số KHHGĐ xã đề ra một số biện pháp cụ thể, trong đó chú trọng đến việc vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhất là đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề.
Ông Nông Văn Bằng – Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết thêm: xã sẽ chỉ đạo Ban dân số, Trạm y tế đẩy mạnh tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho chị em nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiếp tục vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân số, KHHGĐ và có trách nhiệm nuôi dạy con cái thật tốt. Hiện mức chi trả phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên dân số là 50.000 đồng/người/tháng. Như vậy là quá thấp, so với công sức họ bỏ ra, do đó rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức phụ cấp này lên để mạng lưới này hoạt động có hiệu quả hơn.
Minh Đức
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()