Câu chuyện “4 xin”
Cuối năm 2019, Đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg chỉ rõ một số yêu cầu cần phải chấp hành trong chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đề án, khi giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Để làm được điều đó, cán bộ phải bắt đầu từ việc thực hiện nội dung “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép.
Chuyện tưởng nhỏ, nhưng đây thực sự là cú hích rất lớn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong rèn luyện tác phong và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân. Ở tất cả các địa phương, cấp ủy, chỉ huy và tổ chức đoàn thể đều quán triệt, cụ thể hóa nội dung này vào xây dựng đạo đức công vụ cho cán bộ. Tùy vào điều kiện thực tế, có nơi thực hiện trước nội dung “2 xin”, có nơi chú trọng “3 xin”, có nơi lại đột phá thẳng vào “1 xin”… Thực hiện chuyển biến “1 xin” này lại triển khai tiếp nội dung khác. Cứ thế mà tác phong, lề lối, cung cách làm việc của cán bộ chuyển biến rõ nét.
Khi giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức phải thực hiện “4 xin”. Ảnh minh họa/ 24h.com.vn |
Ví như, câu chuyện “xin chào”. Chỉ đơn giản là lời chào hỏi nhau, thế nhưng ngày trước, nhiều cán bộ chưa thực hiện tốt, thậm chí chưa thật sự quan tâm, chỉ suy nghĩ việc của mình thì trong lòng, trong dạ cố gắng phục vụ nhân dân, nhưng bên ngoài chưa thể hiện rõ thái độ ấy. Bởi thế mới có chuyện rằng, ngay ở những trụ sở tiếp dân, cán bộ cũng chẳng buồn chào dân, tỏ ra lạnh nhạt, ăn nói thiếu tôn trọng dân. Thực tế đó đã ít nhiều gây bức xúc trong dân, nhận lấy những phản ứng dư luận tiêu cực.
Vẫn biết, người làm công tác tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính bận nhiều việc, một cán bộ phải phục vụ nhiều người dân, nhưng nếu vì bận mà tỏ ra thái độ này kia, thì đó hẳn là việc không hay. Bởi thế, thực hiện “xin chào”, các cấp ủy đã triển khai một đợt chỉnh huấn, giáo dục thái độ cho đội ngũ cán bộ, để thực hiện triệt để các giá trị văn hóa người Việt Nam “lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Thật vui khi đội ngũ cán bộ biết cầu tiến, rèn luyện từ những điều nhỏ nhất như lời nói, hành vi. Ở nhiều nơi, không còn nữa tình trạng quan cách, nhũng nhiễu nhân dân. Thay vào đó, nhờ có nụ cười, thái độ thân thiện, tác phong phục vụ mau lẹ, trách nhiệm… nên quần chúng hoan nghênh, ghi nhận.
Kết quả đáng mừng là vậy, nhưng sắp tới đây, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng văn hóa công vụ lành mạnh, tốt đẹp, các cấp ủy, tổ chức cần đẩy mạnh đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện. Trước hết, trong đội ngũ cán bộ, phải nhất quán nhận thức, thống nhất ý chí và hành động. Đồng thời, phải thực sự tạo ra các cao trào hành động, mô hình cụ thể trong thực hiện “4 xin”. Trong đó, người đứng đầu vừa nêu gương, thể hiện rõ tinh thần “4 xin” đối với cấp dưới và nhân dân; đồng thời phải làm tốt việc khen-chê trong tập thể. Kịp thời khen thưởng đối với những cá nhân tích cực, trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc những thành phần cá biệt, nhiễu nhương, hống hách, nhất quyết không để “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()