Cầu An Lạc nối những bờ vui
– Nhằm giúp người dân ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh có những cây cầu vượt suối đảm bảo an toàn, thuận tiện, từ năm 2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã chung tay xây tặng người dân những cây cầu dân sinh mang tên An Lạc. Những cây cầu An Lạc được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo sự kết nối, mang lại niềm vui cho Nhân dân.
Cuối năm 2019, cầu An Lạc số 4 được đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thôn Hợp Lực, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định. Cây cầu được Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 145 triệu đồng, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và người dân, qua đó đã thi công, hoàn thành, giúp gần 60 hộ dân trong thôn với hơn 200 nhân khẩu đi lại thuận tiện. Ông Lộc Văn Thanh, Phó Bí thư Chi bộ thôn Hợp Lực cho biết: Trước khi có cầu, người dân trong thôn phải đi qua ngầm Pác Khuổi. Mỗi khi mưa lũ về, ngầm bị ngập sâu, giao thông ách tắc. Tại đây đã có nhiều người dân đi xe máy qua bị trôi xuống suối. Khi có chủ trương xây dựng cầu dân sinh, chúng tôi rất phấn khởi tham gia. Để chung tay xây dựng, người dân trong thôn đã đóng góp 30 triệu đồng cùng các cấp, ngành và Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh làm cầu.
Người dân xóm Khòn Mon, thôn Bình Trung, xã Vân An, huyện Chi Lăng vui mừng khi có cầu mới
Tương tự, tháng 3/2021, khi cây cầu An Lạc số 7 được hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân xóm Khòn Mon, thôn Bình Trung, xã Vân An, huyện Chi Lăng vô cùng phấn khởi vì họ không còn phải lo lắng, bị ngăn cách mỗi khi mùa mưa lũ về. Cầu có tổng kinh phí xây dựng là 238 triệu đồng, trong đó, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp ủng hộ 50 triệu đồng cùng 15 tấn xi măng, 20 khối đá mạt, người dân thôn Bình Trung góp 35 triệu đồng và 600 ngày công. Được biết, xóm Khòn Mon có 18 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, bị ngăn cách với trung tâm xã bởi một con suối. Trước đó, con đường duy nhất để đi qua suối là 1 ngầm tạm cao khoảng 1,5 m, dài 5 m do người dân tự xây dựng từ năm 2005. Anh Vi Văn Chùa, người dân trong xóm cho biết: Đoạn ngầm trước đây vừa thấp, nhỏ hẹp lại không có thành cầu, không đảm bảo an toàn nên vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, người dân và phương tiện không thể qua lại. Những lúc như thế, tôi phải cho các con nghỉ học. Bây giờ, có cầu An Lạc rộng hơn, có lan can đảm bảo an toàn, xe ô tô có thể đi qua, chúng tôi đi lại rất thuận tiện.
Trên đây là 2 trong số những cây cầu An Lạc được Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây dựng. Nói về việc hình thành ý tưởng xây dựng cầu An Lạc, Đại đức Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cho biết: Trong những lần thực hiện các chương trình thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi được chứng kiến người dân chật vật vận chuyển nông sản qua suối, những em bé phải đi chân trần lội nước trong cái giá lạnh để cắp sách đến trường, thậm chí phải nghỉ học khi mùa mưa lũ về. Hơn nữa việc xây cầu không chỉ góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống… Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi đã trăn trở và quyết định xây tặng người dân những cây cầu mang tên An Lạc.
Để thực hiện, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, các tăng ni, phật tử đóng góp, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và huy động người dân chung tay, góp sức. Nhờ đó, việc xây dựng các cây cầu An Lạc được triển khai từ năm 2018. Từ khi thực hiện đến nay, toàn tỉnh có 7 cầu An Lạc được xây dựng, đưa vào sử dụng tại các huyện: Đình Lập, Tràng Định, Chi Lăng với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn hơn 300 điểm cầu, ngầm tạm cần xử lý. Do đó, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, trong thời gian tới, Ban Trị sự GHPG tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để có kinh phí xây dựng thêm những cây cầu An Lạc khác. Được biết trong năm 2021, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 3 cây cầu An Lạc tại huyện Chi Lăng và Cao Lộc
Ý kiến ()