Cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính liên tiếp đề xuất tăng một loạt các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT.
Một trong những lý do được đưa ra cho việc tăng thuế là nhằm thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế… Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm dần do việc thực hiện cắt giảm các dòng thuế theo cam kết hội nhập quốc tế, thì việc tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp phần hụt thu này là cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, NSNN bao gồm cả phần thu và phần chi ngân sách. Trong khi những giải pháp tăng thu NSNN được đề xuất, rốt ráo triển khai thì dường như các giải pháp cơ cấu lại chi ngân sách, tiết kiệm chi ngân sách… chưa được chú trọng đúng mức. Trong cơ cấu chi ngân sách, một hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục: chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách. Ngay trong quý I năm nay, tổng chi NSNN ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng 19% dự toán, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2017; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% dự toán, bằng 79,9% so cùng kỳ năm 2017; chi trả nợ lãi đạt 31,4 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9% dự toán, tăng 7,8%; chi thường xuyên đạt 222,55 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 5,3%. Như vậy, chi thường xuyên chiếm tới hơn 76% tổng chi NSNN, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm khoảng 12%. Thực tế, lãng phí trong chi thường xuyên không hề nhỏ so với lãng phí trong chi đầu tư phát triển.
Rõ ràng, điều có thể làm ngay để cơ cấu lại chi NSNN là giảm mạnh chi thường xuyên bằng việc cải cách hành chính, sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính hiện đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả; tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng NSNN. Thế nhưng theo báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2017, có rất nhiều bộ, cơ quan, địa phương còn chưa xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm và chống lãng phí theo quy định. Có tới 17 trong số 35 bộ, cơ quan ở trung ương; 17 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 16 trong số 22 tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành chương trình hành động… Một khi ý thức, trách nhiệm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị này chưa cao, chưa quyết liệt thực hiện thì khó có thể nói tới bội chi ngân sách sẽ được cắt giảm. Tư duy tiết kiệm chi thường xuyên cần được quán triệt trong lãnh đạo tất cả các đơn vị thụ hưởng NSNN.
Cơ cấu lại NSNN là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia bền vững, ổn định. Vì vậy, cùng với các giải pháp cơ cấu lại thu NSNN, trong đó có tăng thu nội địa, cần triển khai đồng bộ cơ cấu lại chi NSNN mà trọng tâm là cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()