Cấp ủy, chính quyền cần những việc làm cụ thể giải quyết ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ: "Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường". Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp ủy, chính quyền cần phải bắt tay ngay vào những việc làm cụ thể.
Dòng nước đen đặc tại công trình cống Kênh Cầu, Yên Mỹ, Hưng Yên. (ảnh: Tường Vy)
Trên thực tế, tại nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài đã lâu mà chưa giải quyết được triệt để. Tại tỉnh Hưng Yên là một ví dụ, mỗi ngày, sông Bắc Hưng Hải phải oằn mình gánh chịu hơn 7 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Chi tại xã Ngọc Quỳnh, huyện Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên của dòng sông Bắc Hưng Hải. Vào những ngày nắng nóng, gia đình chị phải tùy nghi di tản bởi không chịu được mùi đặc quánh của rác, của cá chết. Dòng sông giống như một kênh nước thải đen kịt quanh năm không có lúc nào trong. Chị Chi cho biết, ngoài việc phải ngửi mùi khó chịu, hiện nước sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gia đình ông Phạm Chí Lơi, thôn Nà Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ là một trong những gia đình bị ảnh hưởn nặng nề của ô nhiễm từ dòng sông. Gia đình có mấy sào ruộng trồng lúa và hoa màu nhưng mấy năm nay đều bị mất mùa do nguồn nước tưới không bảo đảm. Mấy sào cam của ông trồng gần chục năm nay cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng vì tưới nước đen ngòm từ dòng sông. Ông cho biết, những năm đầu trồng cam có lãi, nhưng do tưới nước đen ngòm như dầu luyn nên hoa và lá cam rụng nhiều, năm vừa qua ông bị “trắng vụ”.
Tình trạng ô nhiễm dòng sông kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có phương án xử lý triệt để. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, do phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải, cụ thể là tiếp nhận nước thải của một số khu công nghiệp thuộc địa phận thành phố Hà Nội như: Khu công nghiệp Gia Lâm, Khu công nghiệp Sài Đồng qua sông Cầu Bây (qua cống Xuân Thụy) với khối lượng khoảng 7.100 m3/ngày đêm; tiếp nhận nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nước thải làng nghề qua sông Như Quỳnh; tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp qua sông Điện Biên (điểm tiếp nhận khu vực cầu Lực Điền); tiếp nhận nước thải công nghiệp, sinh hoạt qua sông Cầu Lường nên nước mặt trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải qua địa bàn Hưng Yên đang bị ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Nước từ đầu nguồn thuộc địa phận Hà Nội qua sông Cầu Bây vào sông Bắc Hưng Hải tại nhiều thời điểm bằng cảm quan có thể thấy: Nước sông có màu đen, mùi khó chịu và sủi bọt trắng kết thành khối lớn. Điều này khiến người dân không thể lấy nước phục vụ tưới dưỡng cho cây trồng. Những năm qua, UBND các huyện ven sông Bắc Hưng Hải thường xuyên nhận được phản ánh của người dân sinh sống gần khu vực sông về vấn đề ô nhiễm nước mặt ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống.
Theo kết quả quan trắc nước của ngành chức năng từ năm 2005 – 2010 cho thấy ô nhiễm nước mặt trong hệ thống sông Bắc Hưng Hải tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật. Ô nhiễm nước có thể nhận biết được bằng cảm quan như có màu đen, bốc mùi hôi.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần thực hiện lấy mẫu nước quan trắc tại một số điểm trên sông Bắc Hưng Hải và một số sông chính của phụ lưu sông Bắc Hưng Hải. Kết quả cho thấy hàm lượng nhiều chất ô nhiễm không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cụ thể: Ôxy hòa tan trong nước thấp hơn từ 1,03 – 7,14 lần; tổng hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 1,01 – 6,22 lần… Một số mẫu phân tích phát hiện dầu mỡ với chỉ tiêu ô nhiễm: tổng dầu mỡ vượt từ 1,2 – 2 lần và một số kim loại, kim loại nặng như Sắt (Fe), Thủy ngân (Hg), Asen (As).
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải không chỉ ở một địa phương, mà ô nhiễm hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng có tính liên vùng, liên tỉnh không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Trong khi nguồn thải đến từ thượng nguồn nhưng khu vực hạ nguồn lại chịu tác động lớn hơn. Do vậy cần sự quan tâm sâu sát, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng, chính quyền các địa phương có liên quan; cần có lộ trình, kinh phí, thời gian thực hiện để cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Cho biết cụ thể hơn về các giải pháp ứng phó với ô nhiễm nước mặt sông Bắc Hưng Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, ngoài tập trung thực hiện các giải pháp về giảm thiểu chất thải gồm giảm lưu lượng thải, nồng độ ô nhiễm của chất thải còn cần tiến hành cải tạo, nạo vét nhằm khơi thông dòng chảy, tăng khả năng tự làm sạch của nguồn nước. Đây cũng chính là một trong những biện pháp quan trọng và hữu hiệu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải nói riêng và hệ thống nước mặt trên địa bàn tỉnh nói chung.
Trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến không chỉ người dân ở Hưng Yên, mà nhân dân ở một số tỉnh ven biển miền Trung cũng đã chịu ảnh hưởng sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển. Báo cáo tại họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/6 đã cho biết, trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu đến Thừa Thiên – Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt… Dù Formosa đã đứng ra nhận trách nhiệm và đền bù, song câu hỏi “môi trường bao giờ mới được phục hồi?” cũng chính là bài học cho các nhà quản lý khi cân nhắc giữa phát triển kinh tế và giải quyết môi trường. Khẳng định của Đảng và Chính phủ ta là “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế” đang trở thành quyết tâm chính trị khi xét duyệt các dự án.
Ở đâu đó, trên những dòng sông, ao hồ, mặt nước – nơi chúng ta có thể quan sát thấy được sự biến đổi của môi trường khi có hiện tượng cá chết nổi trắng trên mặt nước, tuy nhiên, còn trong không khí, trong đất và trong chính cơ thể con người chúng ta không thể quan sát và không thể lường trước được sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Khi những bệnh nhân ung thư ngày càng nhiều và bị trẻ hóa, chúng ta mới thấy được hiểm họa đã hiện hữu.
Để tăng cường chỉ đạo thực hiện giải quyết vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định “Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do chủ quan con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra; hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản; bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên với môi trường sống ở các khu công nghiệp, đô thị, dân cư”.
Như vậy, trong khi giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều tỉnh khác nhau thì người dân vẫn hằng ngày phải gánh chịu hậu quả trực tiếp từ ô nhiễm. Vấn đề dân sinh thiết yếu này đã được Nghị quyết Đại hội XII xác định chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ này và rất cần các cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện để nhân dân các vùng gần các khu công nghiệp nói chung cũng như nhân dân sống ven sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên nói riêng có được cuộc sống thanh bình trên chính mảnh đất quê hương. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cũng là thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()