Cấp trùng thẻ BHYT - Thực trạng và giải pháp
LSO - Từ năm 2009 triển khai Luật BHYT đến nay, về cơ bản BHYT đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội. Thể hiện rõ nét qua việc đối tượng tham gia BHYT và quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT được mở rộng, các đối tượng chính sách được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Việc mở rộng các nhóm đối tượng nhìn chung đã được thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, tình trạng cấp thẻ BHYT trùng cho các đối tượng vẫn xảy ra, nhất là đối với đối tượng người nghèo và dân tộc thiểu số.
LSO – Từ năm 2009 triển khai Luật BHYT đến nay, về cơ bản BHYT đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội. Thể hiện rõ nét qua việc đối tượng tham gia BHYT và quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT được mở rộng, các đối tượng chính sách được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Việc mở rộng các nhóm đối tượng nhìn chung đã được thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, tình trạng cấp thẻ BHYT trùng cho các đối tượng vẫn xảy ra, nhất là đối với đối tượng người nghèo và dân tộc thiểu số.
Cho trẻ uống vitaminA tại Trường Mầm non 19/5 |
Hiện nay, theo rà soát sơ bộ của BHXH tỉnh, kết quả ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có 4.500 thẻ BHYT cấp trùng cho đối tượng. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do việc lập danh sách đề nghị của UBND huyện, thành phố phê duyệt từ cơ sở xã, phường còn chậm, nhiều sai sót về các thông tin của người được cấp thẻ như năm sinh, họ tên, giới tính. Ngoài ra, chưa có sự rà soát, đối chiếu chặt chẽ với các trường hợp thuộc các đối tượng khác đã được cấp thẻ (thân nhân sỹ quan, cựu chiến binh).
Tại huyện Văn Lãng, theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 1.000 thẻ BHYT cấp trùng. Bà Đường Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cơ quan BHXH, Phòng LĐTB&XH rà soát, kiểm tra lại con số chính xác. Trước mắt, tìm các giải pháp phù hợp, hiệu quả để cấp thẻ hạn chế sai sót và nhất là cấp trùng. Đối với các thẻ cấp trùng, về kinh phí thất thoát, hiện nay huyện cũng đang đề nghị tỉnh cũng như các ngành BHXH, tài chính có hướng dẫn xử lý. Đối với thành phố Lạng Sơn, ông Phạm Thế Hòa, Giám đốc BHXH thành phố cho biết: Thời gian qua, việc lập danh sách cấp thẻ trùng cho các đối tượng không nhiều nhưng vẫn xảy ra trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do việc lập danh sách đề nghị UBND thành phố phê duyệt từ xã, phường còn chậm, nhiều sai sót về các thông tin của người được cấp thẻ, chưa có sự rà soát, đối chiếu chặt chẽ đối với các trường hợp thuộc đối tượng khác đã được cấp như thân nhân sỹ quan quân đội, công an, cựu chiến binh, học sinh… Riêng đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh gây khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của đối tượng này. Từ thực trạng trên, làm thế nào để có thể hạn chế được tình trạng cấp thẻ trùng như hiện nay? Thời gian qua, bên cạnh một số địa phương thực hiện cấp thẻ còn nhiều vướng mắc thì tại BHXH huyện Lộc Bình, sự sáng tạo, nghiên cứu của cán bộ đã góp phần giải quyết những tồn tại trong công tác cấp thẻ tại đây. Anh Lành Tiến Duy, chuyên viên cấp sổ thẻ, BHXH huyện Lộc Bình chia sẻ: Mấy năm trước, BHXH Lộc Bình cũng có tình trạng cấp trùng thẻ nhiều. Vì vậy, là chuyên viên phụ trách, tôi đã cố gắng mày mò, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm và sử dụng phương pháp kiểm tra danh sách, rà soát danh sách in thẻ BHYT, loại trừ đi được nhiều trường hợp cấp trùng thẻ nhất là đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Tính hết năm 2012, tôi đã kiểm tra và loại trừ hơn 1.250 đối tượng lập danh sách nhiều lần trong cùng một đơn vị, hạn chế thất thoát quỹ BHYT cho ngành BHXH. Năm 2013, tôi tiếp tục áp dụng phương pháp này để rà soát danh sách in thẻ nên hạn chế mức thấp nhất cấp thẻ trùng trên địa bàn.
Cùng với cách làm của BHXH Lộc Bình, tại cuộc kiểm tra của Đoàn ĐBQH tỉnh mới đây trong tháng 4/2013, nhiều ĐBQH đã nêu ý kiến, nên chăng cấp thẻ kéo dài thời gian sử dụng thẻ như cán bộ, công chức từ 1 năm như hiện nay lên 2 năm. Thậm chí một số đối tượng như người dân tộc thiểu số, thân nhân liệt sỹ… có thể kéo dài thời hạn thẻ đến 5 năm. Chỉ có đối tượng người nghèo có sự thay đổi do bình xét hàng năm thì cần thiết cấp thẻ theo từng năm để dễ dàng quản lý. Bên cạnh những ý kiến nêu giải pháp đối với việc cấp thẻ sao cho hiệu quả, tránh trùng thẻ, hạn chế thất thoát tiền của Nhà nước, thì các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, yếu kém của các ngành chuyên môn, nhất là việc phối hợp liên ngành để thực hiện công tác này. Bà Trần Thị Hoa Sinh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của các ngành vẫn chưa sâu sát. Việc kê khai đối tượng từ các xã, thậm chí là các trưởng thôn, trình độ vẫn còn nhiều hạn chế nên không tránh khỏi việc sai tên, họ, ngày sinh, kê khai một đối tượng thuộc nhiều chính sách… Vì thế, cơ quan chuyên môn là ngành LĐTB&XH, BHXH các huyện, thành phố cần phải có hướng dẫn, kiểm tra sâu sát, chặt chẽ, nắm bắt số liệu, số đối tượng chi tiết. Đặc biệt cần có phương pháp kiểm tra khoa học để loại trừ các đối tượng cấp trùng như tại BHXH Lộc Bình.
Phác họa cơ bản trên cho thấy, thực trạng cấp trùng thẻ là có và xảy ra nhiều trong cả nước, tại Lạng Sơn số lượng cấp trùng thẻ BHYT cũng còn rất cao. Hiện nay, nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đã quyết liệt vào cuộc chỉ đạo, nhiều sáng kiến được các cán bộ, chuyên viên tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng. Tin rằng, với phương pháp làm việc khoa học, thời gian tới, tình trạng cấp thẻ trùng BHYT sẽ không còn, hạn chế thất thoát kinh phí cho Nhà nước. Việc cấp thẻ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc khám chữa bệnh BHYT.
Bài, ảnh: Thanh Huyền
Ý kiến ()