Cấp thiết mở cửa để kinh tế phục hồi
Năm mới Nhâm Dần được khởi đầu bằng những chỉ số kinh tế ấn tượng. Ngay trong tháng đầu tiên, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký so cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2021 với số lượng dự án đăng ký mới tăng rất mạnh và đặc biệt là hàng loạt dự án điều chỉnh tăng vốn, cho thấy các doanh nghiệp đã ổn định, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tác động của đại dịch Covid-19. Hoạt động xuất khẩu tăng tốc ngay từ tháng 1 với bảy mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Chuỗi cung ứng lao động được khôi phục; sức tiêu dùng của người dân tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng. An sinh, an toàn được bảo đảm, tạo khí thế phấn khởi, gia tăng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Đây là thành quả của việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và tiêm vaccine thần tốc. Việc sớm ban hành và triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo nền tảng để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Trong năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ được Chính phủ đề cập đầu tiên là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể là ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời chương trình phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Bởi yêu cầu mở cửa đang đặt ra cấp thiết, là “mảnh ghép” cuối cùng và quan trọng nhất để nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, sau khi đã đạt độ bao phủ vaccine toàn dân. Nhờ đó, du lịch, lữ hành, hàng không-những ngành kinh tế chịu thiệt hại nhiều nhất trong hai năm bùng phát dịch Covid-19 đang có cơ hội “phá băng”.
Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế và trong nước vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội rất nặng nề nhưng niềm tin vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vẫn có cơ sở. Trước hết, chúng ta vẫn giữ được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Ngoài ra, chúng ta đã triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, là ý chí, sức sáng tạo, tinh thần kinh doanh mãnh liệt và bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong đại dịch.
Tình hình mới đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương không chỉ quyết tâm, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra mà còn phải chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường để tận dụng mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất cho phục hồi kinh tế. Nguồn lực tài khóa, tiền tệ 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội đã quyết định dành cho chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đi vào giải ngân nhanh chóng và hiệu quả sẽ tiếp sức cho nền kinh tế Việt Nam bừng lên, bắt kịp đà phục hồi của các quốc gia phát triển để vươn dậy nhanh hơn sau đại dịch.
Ý kiến ()