Cấp phiếu lý lịch tư pháp: Đến lúc ngành phải tự làm
Ngày 25-2, Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Lý lịch Tư pháp đã diễn ra tại ba điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở tư pháp, Cục Thi hành án dân sự 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Lý lịch tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân của cá nhân công dân cũng như tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xoá án tích, tái hoà nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp của ngành tư pháp cũng như cơ chế tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin…là vấn đề khó.
Ông Trần Thất -Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định: “Đã có những thời kỳ, việc cung cấp phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu là thông tin do cơ quan công an cung cấp. Song ngành tư pháp phải tự đi trên đôi chân của mình, dù bắt đầu bằng con số không. Nếu không thực hiện ngay từ bây giờ thì sẽ chẳng biết đến bao giờ mới làm được.”
Có bốn chuyên đề được trình bày tại Hội nghị này để đại biểu các địa phương thảo luận cho ý kiến, tạo thuận lợi cho công tác triển khai Luật trên thực tế, chủ yếu là phân tích sâu các văn bản như Luật, Nghị định 111/2010/QĐ-TTG, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia…
Thực tế, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp giống như cung cấp “lý lịch xấu” của cá nhân nên các cơ quan liên quan sẽ phải cân nhắc trước khi công khai, đặc biệt là những người có tiền án, tiền sự chỉ vì lỗi vô ý nhằm tạo điều kiện cho họ có thế tái hoà nhập cộng đồng. Đặc biệt, trong thời gian tới, các Phòng quản lý lý lịch tư pháp sẽ cập nhật thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp để phục vụ công tác sau này, nhất là trong giai đoạn kinh tế mở hiện nay.
Ý kiến ()