Thứ 2, 03/02/2025 09:52 [(GMT +7)]
Cấp học mầm non: Nan giải chất lượng ăn, ở
Thứ 2, 10/10/2011 | 15:25:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Đến cuối năm học 2010-2011, toàn ngành GD có 86,4% số trường mầm non (MN) và trường phổ thông có gắn lớp MN tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ ngày với 28.379 trẻ đạt 75,65%, trong đó có 8667 trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đạt 77,08%. Đây là một cố gắng vượt bậc của ngành trong việc tạo chuyển biến căn bản trong giáo dục mầm non (GDMN) và phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi… Tuy vậy, chất lượng ăn, ở bán trú vẫn là vấn đề nan giải…
Phòng học của phân trường MN xã Thái Bình (Đình Lập) tại khu vực Khe Cháy có 14 cháu trong độ tuổi từ 3-5 tuổi đang hoạt động, nhìn ánh mắt trong trẻo của trẻ thơ cùng tập hát dưới sự hướng dẫn của các cô giáo trẻ, ít ai nghĩ rằng cô và trò nơi đây lại hoạt động trong điều kiện khó khăn đến vậy. Một căn phòng sơ sài trong ngôi nhà cấp 4 đang xuống cấp cùng với các tranh hình biểu mẫu… là một góc nhỏ kê chiếc bàn, trong đó đủ các loại ca bát, cặp lồng đựng “cơm cháo bán trú” mà cha mẹ các cháu “gửi” các cô. Ăn thì như vậy, còn ngủ trưa, như các cô phản ánh là kê tạm những chiếc phản gỗ, nhiều khi được lấy từ những chiếc bảng cũ kỹ.
Do được xây dựng trường mới, từ 2 năm nay, các cháu trường MN xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) được bán trú. Vào giờ nghỉ trưa, các loại bàn ghế, dụng cụ được thu gọn lại nhường chỗ cho những chiếc phản nằm. Trong căn phòng đẹp đẽ ấy, các cháu luôn được đảm bảo giấc ngủ. Tận dụng phòng học cũ, trường tiểu học và MN ngăn đôi làm bếp nấu ăn. Trong gian bếp mái dột, không trần, vách thủng ấy, lửa luôn đỏ để đảm bảo bữa ăn cho 105 cháu. Các cô phục vụ nói rằng, với mức đóng 10 ngàn đồng/cháu/ ngày trong thời kỳ giá cả thực phẩm đắt đỏ thế này, các cô phải khéo xoay xở lắm mới đảm bảo cho các cháu 1 bữa chính và 1 bữa phụ trong ngày. Được cái, ở một địa phương đang có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, việc đảm bảo nguồn thực phẩm không khó lắm. Tuy vậy, bữa ăn của các cháu cũng chỉ có thể đảm bảo no, chưa thể nói đến việc cung cấp dinh dưỡng theo hướng dẫn được.
Cũng như các cấp học phổ thông, chất lượng GD nói chung và chất lượng ăn, ở nói riêng của cấp học MN có sự khác biệt rất lớn giữa các xã đặc biệt khó khăn với các xã vùng ngoài, giữa các xã và thị trấn, giữa nông thôn và thành thị. Theo nhiều trưởng phòng GD, đơn giản là công tác đầu tư và phong trào xã hội hóa tại các trường này thấp hơn nhiều. Muốn cải thiện “nơi ăn chốn nghỉ” cho các cháu trong điều kiện đại đa số cư dân nông thôn còn nghèo, thì Nhà nước phải tăng đầu tư, từ phương tiện cho dạy và học đến các trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi; từ những chiếc phản nằm cho các cháu đến các dụng cụ nhà bếp…
Mặt khác, chính chế độ tiền công, tiền lương cho các cô nuôi quá thấp, dẫn đến tình trạng phục vụ thiếu nhiệt tình, thiếu sự cải tiến, chế biến khẩu phần ăn theo hướng dẫn chung của ngành. Hiện nay, từ các trường chuẩn quốc gia khu vực thành phố, thị trấn đến các trường MN nông thôn, tiền công, tiền lương của cô nuôi chỉ ở mức mức 1,0 lương cơ bản (tương đương 830.000 đồng/tháng), dẫn đến tình trạng nhiều cô nuôi bỏ việc. Nhiều trường đã có những phương án khác nhau để “tìm” các khoản thu nhằm có thể “thêm thắt” vào thu nhập cho cô nuôi, nhưng thật khó. Cô giáo Hiệu trưởng trường MN Liên Cơ, thị trấn Hữu Lũng cho biết, trước tình trạng này, nhà trường muốn huy động từ Hội cha mẹ học sinh với mức mỗi gia đình góp thêm 5 ngàn đồng/tháng gọi là “động viên” cô nuôi, nhưng lại sợ mang tiếng là lạm thu.
Thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi từ nay đến năm 2015, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã định rất rõ ngân sách trung ương hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng, địa phương hỗ trợ 30 ngàn đồng/tháng tiền ăn trưa đối với trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở GDMN có cha, mẹ thường trú tại các xã biên giới, xã ĐBKK, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, gia đình hộ nghèo.
Ngân sách địa phương hỗ trợ 120 ngàn đồng/ tháng, phụ huynh đóng góp 30 ngàn đồng/ tháng đối với trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở GDMN thuộc các xã còn lại theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, phần lớn học sinh MN 5 tuổi các trường MN nông thôn ở tỉnh ta được hỗ trợ tiền ăn trưa. Tuy nhiên, chỉ như vậy chưa thể đủ. Cần phải có sự huy động tốt hơn, sự đầu tư tập trung hơn để cải thiện việc ăn ở cho các cháu MN bán trú vùng nông thôn, đặc biệt là vùng xa, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đó cũng là cách tốt nhất để nâng cao tỷ lệ huy động và chất lượng nuôi dạy.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()