Thứ 4, 27/11/2024 15:29 [(GMT +7)]
Cấp học mầm non Chi Lăng nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ
Thứ 4, 19/09/2012 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non, việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Chi Lăng coi là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng thu hút trẻ trong độ tuổi ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tính đến cuối năm học 2011-2012, cấp học mầm non (MN) huyện Chi Lăng có 17/18 trường tổ chức ăn bán trú với 2829 trẻ, chiếm tỷ lệ 69,8%. Như vậy, việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng ở các trường MN có ảnh hưởng lớn đến việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể trên địa bàn huyện.
Nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non xã Quang Lang (Chi Lăng)
chia cơm để vận chuyển đến phân trường cho học sinh
Là trường MN khu vực nông thôn, Trường MN xã Quang Lang có 372 học sinh, 13 nhóm lớp, nhưng có tới 6 điểm trường, trong đó có 4 điểm tổ chức bán trú. Do đã tổ chức ăn bán trú tại điểm trường chính từ năm 2002 nên nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nhân rộng việc ăn bán trú tại các điểm trường. Bằng sự nhiệt tâm của mình, đội ngũ cô nuôi đã đưa các món ăn được chế biến từ trường chính và điểm trường Than Muội đến tận các điểm trường xa. Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, cũng vất vả lắm, vả lại tiền xăng xe mà phụ huynh các điểm trường lẻ đóng thêm với mức 10 ngàn đồng/tháng/cháu cũng không thể đủ khi giá xăng cứ lên từng ngày. Nhưng công việc như vậy, thêm 1 cháu được ăn bán trú là thêm một bà mẹ đỡ vất vả và nhà trường cũng yên tâm hơn vì đã có thêm 1 học sinh đủ dinh dưỡng để phát triển.
Trong điều kiện rất khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cô nuôi, nhiều trường huy động công sức và sự đóng góp của nhân dân để cải tạo bếp đun, mua sắm dụng cụ và thuê cấp dưỡng. Với mức đóng góp từ 20-25 ngàn đồng mỗi tháng/học sinh, các nhà trường đã đảm bảo được 2/3 kinh phí để trả tiền công cho đội ngũ cấp dưỡng với mức thu nhập bình quân từ 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. Trong khi các nhà trường chưa có các thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, thì chất lượng nuôi dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cô nuôi. Với 9 cô nuôi, trong đó có 3 người có trình độ Trung cấp, Trường MN thị trấn Đồng Mỏ không chỉ đảm bảo đổi mới bữa ăn hàng ngày, mà còn chế biến được các loại thực phẩm, đồ uống cho các bữa phụ thay thế các loại đồ hộp hoặc sản phẩm đóng gói sẵn.
Với sự quan tâm đến cấp học MN, UBND huyện đã chắt chiu khoản kinh phí thường xuyên, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng bếp ăn cho các nhà trường. Vui mừng với tiến độ xây dựng bếp nấu ăn của nhà trường, cô giáo Phạm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường MN xã Vân Thủy cho biết: “Bằng chương trình kiên cố hóa, trường MN Vân Thủy đã được xây dựng khang trang và hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2010-2011. Tuy nhiên, do không có vốn để xây bếp ăn nên nhà trường phải nấu nhờ tại bếp Trạm Y tế xã. Được sự đầu tư của huyện, tháng 8/2012, nhà trường đã được đầu tư bếp ăn một chiều với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Khởi công xây dựng bếp, đồng thời cô nuôi cũng đi dự lớp bồi dưỡng chuyên môn. Thế là cuối tháng này, nhà trường đã có bếp phục vụ cho trên 100 cháu tại trường chính và điểm trường Bản Dù. Chúng tôi được biết, không chỉ ở Vân Thủy, ngay những ngày đầu năm học mới, Trường MN xã Bằng Mạc cũng có niềm vui từ sự quan tâm này.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, bước vào năm học mới, song song với việc tách trường, thành lập mới, ngành chỉ đạo nâng cao cơ sở vật chất trường lớp học, thực hiện chủ đề “Nói không với trường lớp MN không có cổng trường, hàng rào, công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ cho việc chăm sóc trẻ”; huy động các nguồn lực mua sắm trang thiết bị hậu cần, đặc biệt là các trường MN nông thôn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ trong các trường MN.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()