Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích: Còn nhiều khó khăn
Tại Nghị quyết số 25 ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, mục tiêu cấp GCNQSDĐ đối với di tích đã xếp hạng các cấp (cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt) đề ra là 60 - 70%. Sau thời gian tích cực triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ di tích trình xếp hạng các cấp, đến năm 2020, toàn tỉnh có 128 điểm, khu di tích được xếp hạng. Trong đó có 34 điểm, khu di tích được cấp GCNQSDĐ, chiếm 26,6% tổng số di tích được xếp hạng, chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do thiếu sự quan tâm trong công tác quản lý, khoanh vùng bảo vệ, cấp GCNQSDĐ di tích của chính quyền cơ sở trong những năm trước đây để xảy ra hiện trạng lấn chiếm di tích hoặc chưa xác định rõ quy mô, diện tích, ranh giới của di tích; bên cạnh đó có những khó khăn về kinh phí lập hồ sơ, vướng mắc trong việc xác định, thống nhất tổ chức, cá nhân đứng tên đại diện trong GCNQSDĐ...
"Việc thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với các di tích, đặc biệt là di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh còn chậm. Tại một số huyện, thành phố việc xác định ranh giới giữa đất di tích và một số loại đất khác gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý đất đai tại cấp cơ sở chưa được chặt chẽ dẫn đến một số di tích bị các hộ dân lấn chiếm; vị trí một số điểm di tích chưa phù hợp quy hoạch vẫn là đất nông nghiệp do người dân sử dụng; kinh phí thực hiện trích đo địa chính lớn... Để đẩy nhanh thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ đối với di tích, thời gian tới, VPĐKĐĐ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sử dụng đất, các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đối với các di tích trên địa bàn". Bà Phan Thị Quyên, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh |
Để tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích, đặc biệt là di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 28 ngày 31/12/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 31/8/2016 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 26 ngày 11/1/2021 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TU. Theo đó, UBND chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố quan tâm, đẩy mạnh thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với các di tích trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan đã quan tâm triển khai thực hiện; nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ được ban hành. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 335 điểm, khu di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Trong đó có 140 điểm, khu di tích đã được xếp hạng các cấp. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 50/140 điểm, khu di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt được cấp GCNQSDĐ (đạt 35,7%).
"Toàn huyện Bình Gia hiện có 22 di tích; trong đó có 14 di tích đã được xếp hạng các cấp. Đến nay, huyện có 2 di tích được cấp GCNQSDĐ; 9 di tích được trích đo, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới nhưng chưa lập được hồ sơ; 11 di tích chưa được trích đo, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới. Tiến độ thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với di tích, đặc biệt di tích đã xếp hạng còn chậm. Nguyên nhân do các đơn vị, tổ chức chưa chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; nhiều di tích không có nguồn thu công đức, khó khăn trong vận động xã hội hóa, huyện cũng chưa bố trí được kinh phí để thực hiện việc trích đo, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ... Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và công tác lập hồ sơ cấp GCN. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp thực hiện thủ tục trích đo đối với các di tích, đặc biệt là di tích đã xếp hạng các cấp trên địa bàn huyện; đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới di tích. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện". Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia |
Ông Triệu Đức Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đăng ký đất đai, lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các điểm di tích theo quy định nhưng kết quả vẫn đạt thấp. Nguyên nhân do một số huyện chưa kịp thời điều chỉnh đồng bộ, thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương nên không triển khai thực hiện cấp GCNQSDĐ được do chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số công chức địa chính cấp xã còn hạn chế; việc thu thập các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do công tác bàn giao hồ sơ qua các thời kỳ không đầy đủ và bị thất lạc... Vì vậy, việc cấp GCNQSDĐ phải thực hiện qua nhiều bước, nhiều thủ tục để rà soát, xác minh nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thời gian thực hiện.
Di tích khảo cổ hang Phia Điểm, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Do thiếu kinh phí thực hiện trích đo địa chính; nhiều diện tích đất thuộc khu di tích khảo cổ bị người dân lấn chiếm để canh tác, sản xuất nông nghiệp cũng như vướng mắc liên quan đến giấy tờ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền nên đến nay di tích này vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, chính quyền xã rất mong các cơ quan chuyên môn huyện tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nguồn lực để xã hoàn thiện hồ sơ xin cấp GCN đối với di tích khảo cổ này theo quy định.
Tương tự như di tích khảo cổ trên, nhiều di tích đã xếp hạng các cấp trên địa bàn cũng chưa được cấp GCNQSDĐ. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn số 1844 ngày 21/12/2023 về tăng cường công tác cấp GCNQSDĐ đối với di tích, nhà văn hóa, sân thể thao. Theo đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp, nghiêm túc triển khai thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với di tích trên địa bàn.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết: Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ đối với các di tích trên địa bàn; tiến hành rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục kiểm kê di tích để các huyện, thành phố có căn cứ thực hiện việc xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong tổng thể quy hoạch chung của tỉnh, ngành, lĩnh vực, địa phương đảm bảo việc khai thác, sử dụng lâu dài... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Cùng đó, tích cực đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện quy hoạch, khoanh vùng, bảo vệ, cấp GCNQSDĐ đối với các di tích; phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Việc thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với di tích sẽ giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai được chặt chẽ, đảm bảo pháp lý. Do đó, ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện, thành phố cần tích cực phối hợp đẩy nhanh thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với các di tích trên địa bàn, đặc biệt là di tích đã được xếp hạng, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.
Ý kiến ()