Cấp chứng chỉ rừng ở Đình Lập: Góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững
- Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Đình Lập đã chú trọng chỉ đạo, triển khai công tác cấp chứng chỉ rừng (CCR) trên địa bàn. Qua đó, vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, vừa đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường, lợi ích xã hội, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
Cấp CCR là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, đưa ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 diện tích rừng được cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) đạt 5.000 ha; giai đoạn 2026 - 2030 diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt 10.000 ha. Theo đó, huyện Đình Lập được tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm cấp CCR với diện tích khoảng 4.500 ha đối với cây thông và cây keo.
Ngày 8/10/2021, Ban Thường vụ Huyện uỷ Đình Lập đã ban hành Nghị quyết số 27 về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó nêu rõ mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, diện tích rừng được cấp CCR theo tiêu chuẩn quốc tế đạt 4.500 ha; giai đoạn 2026 -2030 đạt 5.500 ha.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo và ban đại diện nhóm hộ CCR Đình Lập - Lạng Sơn.
Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo nhóm hộ CCR Đình Lập - Lạng Sơn cho biết: Ban chỉ đạo, ban đại diện đã thực hiện kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và nâng cao năng lực của người dân tham gia nhóm hộ CCR huyện Đình Lập để đáp ứng các tiêu chí theo bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Cùng đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan hướng dẫn người dân quản lý rừng bền vững, xây dựng hồ sơ để trình đánh giá CCR hằng năm; phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập huấn, hướng dẫn người dân tham gia để được cấp CCR. Trung bình mỗi năm, đơn vị phối hợp tổ chức từ 4 đến 6 lớp tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật và quy trình chăm sóc rừng.
Cùng với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng tích cực tuyên truyền đến người dân về lợi ích của tham gia cấp CCR. Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Thực hiện việc cấp CCR, UBND xã đã thành lập 10 nhóm hộ CCR tại 10 thôn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc rừng bền vững. Kết quả đến nay, toàn xã có 1.513,08 ha thông của 101 hộ dân được cấp CCR. Có CCR, người dân trồng rừng trên địa bàn xã thêm yên tâm đầu tư, chăm sóc và phát triển rừng bền vững.
Kết quả đến nay, toàn huyện Đình Lập đã có 8.664,1 ha được cấp CCR. Trong đó, có 4.593,4 ha thông, keo của 487 hộ tại 5 xã: Bắc Xa, Kiên Mộc, Đình Lập, Châu Sơn, Bắc Lãng đáp ứng các tiêu chuẩn, được cấp CCR VFCS/PEFC. Ngoài ra, huyện Đình Lập còn có 4.070,7 ha bạch đàn, thông, keo của 380 hộ tại 3 xã: Châu Sơn, Bắc Lãng, Đình Lập được cấp chứng chỉ kép VFCS và FSC. Từ nay đến cuối năm 2024, dự kiến toàn huyện sẽ có thêm 6.500 ha rừng được cấp chứng chỉ. Qua đó, nâng tổng diện tích rừng được cấp CCR trên địa bàn huyện hết năm 2024 đạt 15.164,1 ha, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra.
Ông Ôn Văn Ninh, thôn Khe Cù, xã Châu Sơn cho biết: Gia đình tôi hiện có 17,8 ha thông, keo được cấp CCR. Tham gia để được cấp CCR, tôi được dự các lớp tập huấn, nắm được lợi ích, ý nghĩa của việc cấp CCR. Nhờ đó, đến nay, tôi biết cách chăm sóc rừng theo đúng nguyên tắc, quy chuẩn quy định như: lựa chọn cây giống chất lượng; không sử dụng thuốc trừ sâu; không đốt dọn thực bì… Qua đó , góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường rừng và phát triển rừng bền vững. Từ rừng, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chiến Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: CCR là một yêu cầu cấp thiết để duy trì và phát triển khả năng tiếp cận của các sản phẩm từ gỗ vào các thị trường cao cấp, khắt khe như: châu Mỹ, châu Âu. Để tiếp tục duy trì và thực hiện cấp CCR bền vững, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của tham gia cấp CCR. Cùng đó, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện tích cực hướng dẫn, kiểm tra nhằm duy trì tốt diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ và tiếp tục mở rộng diện tích rừng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn để được cấp CCR theo quy định.
Được biết, Đình Lập là huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh đến nay có diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo đề án của tỉnh. Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị, phát triển rừng bền vững trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()