Cấp căn cước công dân cho hơn 1,3 triệu người trong tháng 10
Theo Bộ Công an, từ ngày 1/10 đến 31/10, công an các địa phương đã cấp căn cước công dân cho hơn 1,3 triệu trường hợp, triển khai kết nối dữ liệu dân cư chính thức đối với 12 bộ, ngành…
Ngày 1/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 tháng thực hiện Kế hoạch số 6674 (ngày 2/10/2022) mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ quy định của Luật Cư trú năm 2020” và triển khai cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo báo cáo, đến nay, tất cả 63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Kế hoạch số 6674. Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thành lập đoàn kiểm tra chia thành các nhóm nhiệm vụ.
Kết quả, đối với dịch vụ công cư trú, đã có hơn 3,3 triệu hồ sơ được thực hiện trực tuyến, 6,8 triệu hồ sơ thực hiện trực tiếp.
Tính đến ngày 31/10/2022, lực lượng chức năng đã triển khai kết nối dữ liệu dân cư chính thức đối với 12 bộ, ngành; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp viễn thông; 15 địa phương.
Về kết quả cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử, từ ngày 1/10/2022, công an các địa phương đã cấp căn cước công dân cho hơn 1,3 triệu trường hợp.
Bên cạnh đó, năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này.
Trong 10 tháng qua, lực lượng chức năng đã vận động thu hồi 13.724 khẩu súng các loại; phát hiện, bắt giữ 1.943 vụ, 3.687 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu 1.005 khẩu súng các loại; phát hiện, bắt giữ 2.887 vụ, 3.400 đối tượng vi phạm về pháo, thu 35,4 tấn pháo (giảm 1.312 vụ so với cùng kỳ năm 2021).
Tại Hội nghị, đại diện công an địa phương đã tham luận về 4 nhóm vấn đề gồm: kinh nghiệm trong việc triển khai Đề án 06; tồn tại và nguyên nhân trong công tác làm sạch dữ liệu; giải pháp thúc đẩy người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo…
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận, biểu dương công an các địa phương đã nỗ lực đưa ra những cách làm hay, các giải pháp đột phá trong triển khai Đề án 06, cấp căn cước công dân, định danh điện tử; phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, pháo.
Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn nữa việc thực hiện 2 chuyên đề; có sự phân cấp, phân quyền, phân công từng nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Trong thời gian tới, đối với việc thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ quy định của Luật Cư trú năm 2020,” Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị người đứng đầu Công an các cấp phải củng cố và duy trì quyết tâm chính trị cao trong thực hiện Đề án 06, cần xác định đây là trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác và danh dự của lực lượng Công an.
Để đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh cán bộ cơ sở cấp xã, phường trở lên phải có định danh điện tử sớm nhất, thực hiện thành thạo các thao tác dịch vụ công trực tuyến xác thực trên hệ thống VNeID để tuyên truyền, hướng dẫn người dân…
Đối với nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển công dân số, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc gợi ý một số nội dung: cấp tài khoản an sinh xã hội để chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách bằng hình thức điện tử; các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh; thực hiện thủ tục khai sinh, khai tử trên môi trường điện tử…
Về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị công an các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; công văn số 3626 (ngày 17/10/2022) của Bộ Công an về tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đồng thời, tập trung thực hiện.
Thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ và thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Công an cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án cụ thể tổ chức tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt, nhất là tại các địa bàn đã xảy ra đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hoặc dự báo có thể phức tạp, để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về pháo, không để tái diễn tình hình phức tạp về an ninh trật tự và đốt pháo trái phép, đặc biệt là đêm giao thừa…
Tại Hội nghị, công an các địa phương ký cam kết với Bộ về triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo./.
Ý kiến ()