tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2108/e2cb5ed63d72c51cef3462d845ccd889_L.jpg” border=”0″ alt=”Người dân Mường La chăm sóc cây cao-su.” /> Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cây cao-su, đến nay huyện Mường La đã có ba xã, 23 bản, với 1.626 hộ dân tham gia góp đất trồng 2.114 ha cây cao-su, chiếm một phần ba diện tích cao-su toàn tỉnh. Ðáng quan tâm là từ khi phát triển cây cao-su, tâm trạng bà con phấn khởi, đời sống được nâng lên, diện mạo bản mới đang có nhiều thay đổi.
Gặp đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mường La Nguyễn Ðình Giai tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Sơn La, chúng tôi được biết, xây dựng nông thôn mới ở Mường La, thực chất là tiếp tục xây dựng mô hình Bản mới phát triển toàn diện mà tỉnh đã triển khai mấy năm. Bà con hiểu nôm na là cơ sở hạ tầng được cứng hóa, kinh tế phát triển ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Mường La là một trong 62 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước. Cách đây hơn bảy năm, trong phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của mình, Ðảng bộ huyện Mường La đã lựa chọn phát triển cây cao-su gắn với mô hình Bản mới phát triển toàn diện. Ðây cũng là huyện đầu tiên ở tỉnh Sơn La mạnh dạn thí điểm trồng cây cao-su. Khi triển khai dự án còn có ý kiến khác nhau, người dân thì lạ lẫm, chưa từng biết về loại cây trồng này nên gặp nhiều khó khăn. Nhờ công tác tuyên truyền và có chính sách rõ ràng, Công ty cao-su Sơn La góp vốn, bà con góp đất, người dân được tuyển làm công nhân nên cây cao-su đã phát triển mở rộng diện tích. Ðến nay, sau hơn bảy năm, những cây cao-su đầu tiên trồng tại đội cao-su Ít Ong cạo mủ thử nghiệm cho kết quả tốt. Cây cao-su đã phủ xanh đồi núi trọc, đang khép tán, tô điểm thêm vẻ đẹp cho công trình thủy điện Sơn La. Cây cao-su bây giờ không còn xa lạ, mà đã trở thành câu chuyện trong bữa cơm, giấc ngủ, trong sinh hoạt hằng ngày của người dân Mường La.
Chúng tôi đến thăm bản Tìn, thị trấn Ít Ong, Trưởng bản Quàng Văn Lẻ cho biết: Bản Tìn có 76 hộ, 354 nhân khẩu. Trước kia, bà con trồng lúa nương, năng suất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi được tuyên truyền chính sách trồng cây cao-su, thấy được lợi ích của loại cây trồng này nên bà con bản Tìn nhất trí góp đất trồng được gần 200 ha cây cao-su. Ðến nay, cả hai bản Tìn và Nà Trang thành lập chung đội cao-su Ít Ong, trồng được 466 ha, trong số 176 hộ gia đình hai bản đã có 221 người được tuyển vào làm công nhân Công ty cao-su Sơn La. Theo thống kê, đến nay, 100% số dân hai bản đều có ti-vi, xe máy, 85% số hộ có tủ lạnh, 20% có máy tính. Thu nhập bình quân một hộ trồng cao-su là 47,3 triệu đồng/năm từ lương và các sản phẩm phụ khác được trồng xen kẽ với cây cao-su. Theo tính toán, khi cao-su cho khai thác mủ, được chia lợi tức từ góp giá trị sử dụng đất thì thu nhập sẽ còn tăng thêm. Theo trưởng bản Lẻ, để làm giàu không thể chỉ nhìn vào cây cao-su, các hộ phải trồng xen, chăn nuôi và làm dịch vụ. Nhưng rõ ràng, từ khi có cây cao-su, bộ mặt bản Tìn đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình được đầu tư. Khi người dân được tuyển vào làm công nhân thì làm việc có giờ giấc, sinh hoạt đoàn thể cũng sôi nổi, nhất là văn hóa văn nghệ.
Rà soát, đối chiếu các tiêu chí theo quyết định 1880/QÐ-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh Sơn La ban hành bộ tiêu chí tạm thời về mô hình Bản mới phát triển toàn diện thì hai bản Tìn và Nà Trang đạt 9/18 tiêu chí.
Hiện nay, huyện Mường La có ba xã gồm: Ít Ong, Mường Bú, Tạ Bú, với 23 bản, 1.626 hộ tham gia trồng cây cao-su, trong đó có hai bản tái định cư thủy điện Sơn La. Theo chính sách của công ty, các hộ tham gia góp đất từ một ha trở lên, đáp ứng được một số điều kiện thì công ty tuyển làm công nhân. Ðến nay, công ty đã tuyển được 1.356 công nhân, trong đó tuyển chính thức 519 công nhân, tạm tuyển 837 công nhân. Lương được trả theo kết quả công việc, bình quân đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng, có công nhân đạt 2,5-3 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động còn được công ty mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia tổ chức công đoàn, và hưởng đầy đủ các chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động…
Với các hộ gia đình tham gia trồng cao-su được công ty cho vay vốn phát triển chăn nuôi bò không tính lãi, bình quân một hộ được vay 6 triệu đồng trừ dần vào phần lương được hưởng hằng tháng trong ba năm đầu. Cùng với việc lồng ghép các dự án của huyện, đến nay, công ty đã đầu tư nâng cấp 3 km đường nhựa vào đội cao-su Ít Ong đi qua bản Tìn và bản Nà Trang; hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc của thị trấn Ít Ong; đầu tư chín hạng mục công trình tại các bản góp đất trồng cây cao-su có diện tích hơn 100 ha trở lên như: trường mẫu giáo, nhà văn hóa, đường ra khu sản xuất, đường liên bản nối với các đội cao-su.
Nhìn những hàng cây cao-su thẳng tắp, xanh tươi, tràn nhựa sống trải dọc theo sông Ðà, cùng với niềm vui trên gương mặt của bà con dân bản, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay của nơi đây. Nói về điều này, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Nếu trước đây bà con còn băn khoan, lo lắng thì nay đã có sự đồng thuận cao. Cây cao-su bây giờ đã “bám” được vào đất này”. Trong câu chuyện với người cán bộ làm nông nghiệp huyện, chúng tôi được biết, tới đây Công ty cao-su Sơn La phối hợp huyện Mường La sẽ trồng mới thêm khoảng 1.400 ha (giai đoạn 2013-2015) trên địa bàn các xã Tạ Bú, Mường Chùm, Chiềng Hoa, Chiềng San. Từ kết quả trồng cây cao-su ở Mường La, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục thực hiện chương trình trồng cây cao-su gắn với xây dựng nông thôn mới và bản mới phát triển toàn diện.
Theo Nhandan.vn
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()