Những ngày này, đến với những nông trường, nhà máy hay vườn cây cao-su của Công ty TNHH MTV cao-su Phú Riềng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam), đâu đâu cũng thấy không khí háo hức, hăng say lao động, sản xuất của công nhân. Ðây không chỉ là hoạt động thi đua nước rút giành kết quả cao trong những tháng còn lại của năm 2013 mà còn là tâm thế tự hào của thế hệ công nhân đã trưởng thành, vững niềm tin cống hiến cho doanh nghiệp 35 tuổi.
Gian nan những ngày đầu
Công ty Cao-su Phú Riềng được thành lập ngày 6-9-1978 theo Quyết định số 318/QÐ-NN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thực hiện Hiệp định “Hợp tác sản xuất và chế biến cao-su thiên nhiên với quy mô 50.000 ha trong thời kỳ 5 năm từ 1980 đến 1984” giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết.
Ðây là một công trình trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh – quốc phòng, quan hệ quốc tế.
Trên mảnh đất lịch sử ghi dấu tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, đất Phú Riềng trong những năm sau giải phóng là nơi rừng thiêng, nước độc, đất đai còn sót lại nhiều bom mìn, chất độc hóa học, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng yếu kém. Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, phải triển khai hiệp định quy mô lớn, yêu cầu nhiệm vụ lại khẩn trương, nên cùng một lúc công ty vừa phải hình thành tổ chức, vừa triển khai sản xuất, vừa bổ sung nguồn nhân lực.
Từ một bộ khung ban đầu với 12 cán bộ, nhân viên, ngày 7-12-1978, đoàn cán bộ của công ty đặt chân lên Bù Tó bắt tay vào triển khai công việc. Sau một năm ổn định nơi ăn, chốn ở, xây dựng xong trụ sở, công ty tiếp tục tổ chức tiếp nhận máy móc thiết bị từ Liên Xô (trước đây) đưa sang, gây dựng vườn giống cao-su, tập trung khai hoang và thành lập được hai nông trường. Nhằm bảo đảm thực hiện kịp thời khối lượng và thời gian của hiệp định, tháng 8-1980, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Binh đoàn 23 hỗ trợ nhân lực, vật lực làm kinh tế phát triển vùng cao-su Phú Riềng. Dù đến cuối năm 1983, Binh đoàn 23 hoàn thành nhiệm vụ trên công trình cao-su Phú Riềng, đại bộ phận cán bộ và chiến sĩ trở về quân đội, nhưng do yêu cầu công việc, Binh đoàn đã cho chuyển ngành nhiều sĩ quan tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý các nông trường – xí nghiệp và các đơn vị trực thuộc Công ty Cao-su Phú Riềng.
Trong những năm 1980-1981, công ty đã vinh dự được đón các đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng, đồng chí Phạm Văn Ðồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo cao cấp đến thăm và làm việc. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cao-su, lãnh đạo tỉnh Sông Bé đã tạo mọi điều kiện cho công trình cao-su Phú Riềng phát triển đi lên. Nhờ đó, từ một vùng rừng núi với nhiều hậu quả của chiến tranh, vượt lên bao khó khăn, vất vả, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty Cao-su Phú Riềng hội tụ từ nhiều miền của Tổ quốc về đây đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu liên tục và thu được những thành quả rất đáng tự hào. Hiện, công ty có 19 đơn vị trực thuộc gồm: 12 nông trường trồng và khai thác cao-su; hai nông – lâm trường khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng và mở rộng diện tích cao-su; hai nhà máy chế biến mủ latex, mủ cốm; một Trung tâm y tế 100 giường bệnh; một Trung tâm Văn hóa – Thể thao và một chi nhánh cấp nước. Công ty còn có hai công ty con và 10 công ty liên kết. Tổng diện tích đất công ty đang quản lý sử dụng là gần 37.200 ha, trong đó có 19.200 ha cao-su. Diện tích cao-su Phú Riềng kéo dài từ tỉnh Bình Phước đến giáp ranh tỉnh Ðác Nông, nối liền giữa miền Ðông Nam Bộ với Tây Nguyên.
Duy trì phát triển bền vững
Sau những năm đầu thành lập đầy gian khó, từ năm 1991, Công ty Cao-su Phú Riềng thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu “Công nhân giàu – Công ty mạnh”. Từ năm 1998 đến nay là quãng thời gian chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của công ty cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2013, toàn thể CBCNV của công ty đã nỗ lực phấn đấu và giành nhiều thành tích xuất sắc. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt hơn 371 nghìn tấn (vượt 11% kế hoạch); năng suất vườn cây bình quân năm 2012 đạt 2.050 kg/ha, tăng 91,5% so với năm 1998 (1.070 kg/ha). Liên tục bảy năm liền công ty được Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam xếp trong tốp dẫn đầu các đơn vị thành viên về trồng mới, tái canh và chăm sóc vườn cây. Tổng doanh thu đạt 13.784 tỷ đồng (vượt 25,7% kế hoạch). Tổng lợi nhuận đạt 4.803 tỷ đồng (vượt 31,7% kế hoạch); tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 43,3%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt 106,9%. Nộp ngân sách hơn 1.518 tỷ đồng (vượt 23,9% kế hoạch). Ðời sống và thu nhập bình quân của CNVC – LÐ không ngừng tăng lên. Năm 2012: đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng, 150 triệu đồng/người/năm (tăng 15,44 lần so với năm 1998), thu nhập kinh tế gia đình bình quân 36 triệu đồng/hộ/năm; tỷ lệ hộ có mức sống khá và giàu đạt 75%, hộ trung bình 24,3%, không còn hộ nghèo (so với năm 1998 số hộ khá – giàu tăng 30%), 100% số hộ có nhà ở bán kiên cố và kiên cố, không còn hộ tranh tre.
Nhằm bảo đảm duy trì phát triển bền vững và ổn định, trong những năm qua, công ty tập trung vào việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ thiết thực nhiệm vụ sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn với tổng giá trị đầu tư (từ năm 1998 đến năm 2012) hơn 642 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình sản xuất được quan tâm xử lý, tạo ra cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp ở các nhà máy chế biến mủ, điểm giao nhận mủ cũ. Ngoài ra, công ty tích cực đổi mới cơ chế quản lý theo hướng giao quyền chủ động cho cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý bộ máy của các cấp; xây dựng định mức và áp dụng nhiều hình thức khoán cụ thể cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác. Trong những năm gần đây, lãnh đạo công ty tập trung chỉ đạo thực hiện thành công ba chương trình củng cố: Vườn cây – Tài chính – Nguồn nhân lực và bốn mục tiêu phát triển: Nâng cao chất lượng vườn cây; đa ngành nghề kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao hiệu quả nguồn vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ðồng thời duy trì, phát huy hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Xác định doanh nghiệp phát triển lấy con người làm trung tâm, công ty chú trọng xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, chiến lược cán bộ cho những giai đoạn trước mắt và lâu dài thông qua đào tạo và tuyển dụng với mức đầu tư từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm. Kế hoạch đào tạo được xây dựng theo định kỳ năm năm, mười năm, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu: sau đại học, chuyên gia đánh giá chất lượng nội bộ, chuyên gia kỹ thuật và tin học bậc cao… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của công ty trong giai đoạn mới.
Ngoài những thành tựu trong sản xuất, kinh doanh, công ty còn nổi bật trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Những hoạt động này mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái” cho CNVC – LÐ. Trong 15 năm qua, tổng kinh phí công ty đầu tư cho hoạt động xã hội từ thiện đạt 78,6 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Cao-su Phú Riềng Lê Thanh Tú cho biết: “Là doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước, kế thừa và phát huy truyền thống Phú Riềng Ðỏ anh hùng, viết tiếp trang sử vàng 84 năm lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp công nhân cao-su Việt Nam, Công ty Cao-su Phú Riềng hiện nay đã trở thành doanh nghiệp đứng thứ ba trong Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam và xếp thứ nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước, góp phần tích cực trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số nơi công ty đứng chân, giữ vững an ninh, chính trị và quốc phòng; chung tay cùng Nhà nước và các thành phần kinh tế khác thực hiện CNH, HÐH nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trên thị trường quốc tế, công ty cũng đã phát triển ra các nước Cam-pu-chia, Lào; góp phần thắt chặt tình hữu nghị với các nước anh em, củng cố an ninh, quốc phòng trong khu vực. Sản phẩm và các mối quan hệ kinh doanh, đầu tư của công ty đã mở rộng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thương hiệu cao-su của công ty đã được khẳng định trên thế giới và được các đối tác đánh giá là một công ty hàng đầu, có thương hiệu mạnh và bền vững”.
Những phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước tặng thưởng công ty đã nhận được gồm: một Huân chương Chiến công hạng ba (1992); một Huân chương Ðộc lập hạng ba (2008); năm Huân chương Lao động gồm: hạng nhất (2001), hạng nhì (1998), hạng ba (1990, 1992, 1997); tám Cờ thi đua Chính phủ; năm Cờ thi đua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hơn 191 Huân chương Lao động và 137 Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang được trao tặng cho các tập thể đơn vị và CNVC-LÐ toàn công ty. Công ty đã được trao các giải thưởng: “Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao và Doanh nghiệp uy tín” (2006 – 2009); giải “Sao vàng Ðất Việt” và “Sao vàng Ðông Nam Bộ” cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/galleries/21126402/1733937121.jpg” border=”0″ />
Công nhân Nhà máy chế biến mủ (Công ty Cao-su Phú Riềng) đóng gói sản phẩm.
Ý kiến ()