tle=”Theo kinh nghiệm của bác Tạ Đình Đào, chỉ với 20m2 đất, cây cam này cho thu hoạch khoảng 500kg quả, bán tại vườn được hơn bảy triệu đồng.” href=”http://nhandan.com.vn/polopoly_fs/1.328185!/image/910765884.jpg_gen/derivatives/landscape_490/910765884.jpg” id=”gallery_69164751_1_328186″ class=”gallery_69164751_1_328186″ style=”display: none;”>Lightbox li nk Bác Tạ Đình Đào cùng cháu nội bên vườn cam.
Từ năm 2006, thực hiện Nghị quyết 04 của huyện ủy Cao Phong (Hòa Bình) về “Phát huy lợi thế của địa phương để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, hơn 700ha đất nông nghiệp của thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng trồng cam.Từ cây cam, nhiều gia đình ở thị trấn vùng cao này đã trở thành tỷ phú.
Bình quân mỗi hỗ dân ở thị trấn trồng khoảng 5000m2 cam, hằng năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 22 triệu đồng/người/năm.
Đúng hẹn, tôi về thăm bác Tạ Đình Đào ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vào những ngày áp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, cũng là dịp mùa cam chín rộ. Sau cái bắt tay nồng ấm, bác Đào phấn khởi báo tin vui: Năm nay, thời tiết thuận lợi, cam được mùa, trúng giá. Khách hàng từ TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ninh, Nam Định, Sơn La đến mua ngày càng đông. Hiện giá bán tại vườn từ 12.000 đồng – 35.000 đồng/kg tùy từng loại cam.
Nhà bác Đào trồng 5ha, trong đó có 3ha trong thời kỳ khai thác cho thu hoạch khoảng 100 tấn cho thu nhập không dưới 1,5 tỷ đồng!. Tiểu khu 5B của bác Đào có 60 hội dân; hộ nào cũng trồng từ 2000m2 cam trở lên. Dịp này nhà nào cũng “giắt lưng” dăm chục triệu đồng để sắm Tết.
Bác Đào giới thiệu tôi đến thăm gia đình chị Đặng Thị Thu (tiểu khu 2) cũng là một trong những người trồng cam có quy mô lớn ở thị trấn. Do có điều kiện kinh tế nên cuối năm 2008, gia đình chị mua khoảng 10 ha đất đồi rừng nghèo kiệt rồi đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành vườn trồng cam.
Trong số 10 ha chị Thu trồng 8ha cam canh (khoảng 8000 cây) và 2ha cam lòng vàng, bằng các cây giống có thời gian sinh trưởng 2-3 năm nên sớm cho khai thác. Và ba năm liên tục (2009-2011), đã 2ha cho thu hoạch từ 1,5- 2 tỷ đồng mỗi năm. Gia đình chị Thu không chỉ hoàn vốn đầu tư ban đầu, mua phân bón mà còn sắm được một ô-tô trị hơn 700 triệu đồng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt gia đình.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Thế Anh cho biết, cây cam đã được khẳng định trên đồng đất của địa phương này từ năm 1964. Nhưng vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước do nhận thức chưa đầy đủ về chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên người ta đã thay thế cây cam bằng cây chè, thầu dầu, đậu đỗ nhưng bị thất bại vì những loại cây này không phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của đất Cao Phong. Và cây cam cũng bị lãng quên.
Năm 2006, huyện ủy Cao Phong ra Nghị quyết chuyên đề “Phát huy lợi thế của địa phương để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi” thì cây cam mới được trở lại vị trí xứng đáng. Hơn 700 ha đất nông nghiệp của thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng chuyên trồng cam. Bình quân mỗi hộ dân ở thị trấn trồng khoảng 5000m2 cam, hằng năm thu nhập khoảng 50-100 triệu đồng. Toàn thị trấn có khoảng 30% số dân trồng từ 01 ha trở lên, có thu nhập gấp đôi mức bình quân. Gia đình các ông Tạ Đình Đào, Lê Huy Nhật, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Bình, Đặng Thị Thu… có tiềm lực kinh tế trồng tới 5-10 ha cam thực sự là tỷ phú vườn đồi.
Cây cam không chỉ làm giàu cho mỗi hộ dân mà còn góp phần tích vào việc thay đổi diện mạo của thị trấn vùng cao. Đến năm 2011, tăng trưởng kinh tế của thị trấn Cao Phong đạt gần 18%/năm; thu nhập bình quân hơn 22 triệu đồng/người/năm. Hàng trăm hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Hơn 1.000 hộ dân của thị trấn đều có nhà xây kiên cố. Trên địa bàn thị trấn có 47 xe ô-tô các loại. Vào mùa vụ các chủ xe thường đứng lên thu gom cam của người sản xuất đi tiêu thụ ở TP Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty rau quả nông sản về kỹ thuật Cao Phong chính là “bà đỡ” để cây cam đứng vững và ngày càng phát triển ở thị trấn vùng cao này. Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Nguyễn Khắc Ân cho biết, phần lớn công dân của thị trấn cũng chính là công nhân của công ty. Vì vậy khi thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng sản xuất cam hàng hóa tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, Đảng ủy công ty cũng có nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cam Cao Phong.
Theo hướng đó, Công ty tăng cường đầu tư thâm canh cho những diện tích cam đã trồng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời mạnh dạn đưa một số giống mới có phẩm cấp cao như cam Canh, bưởi Diễn, quýt Ôn châu, cam Va-len-xi-a (V2) vào đồng đất Cao Phong nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Kết quả bước đầu của Đề án chuyển dịch cơ cấu giống là Công ty đã tạo ra được các trà cam sớm, chính vụ và cam muộn khắc phục tình trạng ứ đọng sản phẩm trong thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch. Trong đó, giống cam V2 vừa có phẩm cấp cao lại thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán nên mang lại giá trị kinh tế lớn cho người trồng cam.
Tháng 6 – 2010, thương hiệu “Cam Cao Phong” được Hội sở hữu trí tuệ cấp Bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt. Theo đó, sản phẩm cam Cao Phong được khẳng định trên thị trường. Khách hàng tìm đến đặt hàng mỗi năm một tăng.
Từ thành công ở thị trấn, huyện Cao Phong đang mở rộng diện tích trồng cam Tây Phong, Đông Phong, Bắc Phong phấn đấu đến năm 2012, hơn 70% diện tích đất nông nghiệp của huyện có giá trị thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm. Tạm biệt những đồi cam vàng rực trong chiều đông, chúng tôi tin rằng đất lành Cao Phong sẽ có thêm những mùa cam chín ngọt và thăm đượm tình người.
Ý kiến ()