Thứ 6, 22/11/2024 22:19 [(GMT +7)]
Cao Lộc với công tác luân chuyển đội ngũ giáo viên
Thứ 5, 22/09/2011 | 11:04:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một huyện vùng cao biên giới với địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đều, gây trở ngại chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó khó khăn về giáo dục (GD) là điều dễ thấy nhất ở Cao Lộc.
Có đến các phân trường tại những thôn bản xa của các xã Công Sơn, Mẫu Sơn, Cao Lâu, Xuất Lễ, chứng kiến điều kiện sinh hoạt, đi lại và công tác của các giáo viên “cắm bản” mới thấy hết được sự gian nan mà họ trải qua, thấy được sự khát khao được chuyển ra vùng ngoài của họ. Bởi vậy, công tác điều động, luân chuyển giáo viên thường xuyên được Huyện ủy, HĐND, UBND, các phòng chuyên môn và nhất là phòng GD đặc biệt quan tâm, coi đó là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GD vùng cao và thực hiện công bằng GD.
Trong giờ tập huấn đội ngũ giáo viên tiểu học năm học 2011-2012 |
Từ khi cấp huyện được phân cấp quản lý đội ngũ giáo viên từ cấp THCS trở xuống, công tác điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ giáo viên của huyện Cao Lộc ngày càng đi vào nền nếp. Theo đó, quy trình xét luân chuyển giáo viên đi công tác vùng khó khăn và xét những đối tượng hết thời gian có đơn xin chuyển từ vùng khó khăn ra vùng thuận lợi được thực hiện công khai, hợp tình hợp lý. Phòng GD chỉ đạo các nhà trường chủ động trong xác định thành phần họp xét của nhà trường bao gồm lãnh đạo nhà trường, chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên; với tinh thần khách quan, công tâm, nhà trường tiến hành xét và gửi biên bản về phòng GD. Phòng GD rà soát lại các đối tượng trong tiêu chuẩn cũng như hoàn cảnh gia đình, tổng hợp và dự kiến danh sách bố trí điều động giáo viên. Phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện họp xét, thành phần họp bao gồm lãnh đạo UBND, phòng GD, Nội vụ, LĐLĐ huyện, Công đoàn GD, chuyên viên phụ trách tổ chức của phòng GD. Đối với việc luân chuyển giáo viên từ vùng ngoài vào công tác có thời hạn ở vùng 3, quy trình cũng được thực hiện tuần tự từ trường đến huyện.
Do tính công khai, dân chủ của công tác điều động luân chuyển, nên sự công bằng trong GD được thể hiện ngay ở việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ GV. Từ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, ai cũng tự xác định cho mình trách nhiệm phải vào công tác vùng khó khăn. Và những người đang công tác trong vùng khó khăn vẫn có quyền “đòi hỏi” được chuyển vùng nếu họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Do làm tốt công tác điều động, luân chuyển, nên từ năm 2006 đến nay đã có hàng trăm giáo viên được điều động vào vùng 3, vùng ĐBKK và cũng theo đó, hàng trăm giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ ở vùng khó khăn được ra công tác tại những trường vùng thị trấn và các xã vùng ngoài. Riêng năm học 2010-2011, huyện Cao Lộc đã điều động được 55 giáo viên từ vùng khó khăn ra vùng thuận lợi, có 28 giáo viên từ vùng ngoài vào vùng khó khăn, số nhân viên trường học được điều động giữa các vùng là 32 người.
Gặp gỡ với một số giáo viên mới chuyển từ vùng ngoài vào công tác ở vùng khó khăn, chúng tôi ghi nhận sự bỡ ngỡ ban đầu của họ về nơi ăn ở, sinh hoạt, đối tượng học sinh, địa bàn hoạt động; nhất là sự khó khăn về đường xá. Tuy vậy, do đã hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của một giáo viên của huyện vùng cao biên giới, nên phần lớn anh chị em đều tự giác đến nhận trường, nhận lớp và nhanh chóng hòa nhập với nhân dân, với học sinh.
Với tinh thần “hết lòng vì học sinh thân yêu”, các giáo viên vùng ngoài vào vùng khó khăn đã nhiệt tình trong việc áp dụng những phương pháp dạy học tích cực ở vùng ngoài vào vùng khó khăn, truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân với đồng nghiệp để cùng nhau tiếp tục gánh vác “sứ mệnh lịch sử” là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho vùng cao, vùng khó khăn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()