Chủ nhật, 29/12/2024 11:56 [(GMT +7)]
Cao Lộc với công tác bồi dưỡng học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Thứ 5, 19/08/2010 | 15:49:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong những năm gần đây, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác GD & ĐT của huyện Cao Lộc thì nhìn chung chất lượng giáo dục vẫn còn thấp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Phần đa học sinh (HS) các trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhận thức còn chậm, sự quan tâm của gia đình hạn chế, vì vậy tình trạng HS có học lực yếu, kém còn chiếm tỷ lệ cao. Nhất là sau mỗi kỳ nghỉ hè, việc HS tái yếu lại tăng do không được học tập, rèn luyện trong dịp hè.
Giờ tin học của học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Cao Lộc |
Trước thực trạng chất lượng giáo dục còn hạn chế, Phòng GD & ĐT huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của ngành. Đặc biệt xác định công tác phụ đạo, giúp đỡ HS yếu kém, ngăn ngừa tình trạng HS bỏ học là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị. Trên cơ sở đó, Phòng đã tập trung chỉ đạo một số giải pháp trọng tâm như: xây dựng kế hoạch chỉ đạo chung, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên (GV) có chuyên môn vững, có năng lực để bồi dưỡng HS yếu kém; tổ chuyên môn lập kế hoạch phụ đạo cho từng khối lớp; tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm để lập danh sách cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân, phân loại HS theo các tiêu chí như hổng kiến thức, tiếp thu chậm, thiểu năng trí tuệ, bệnh tật, lười, chán học, hoàn cảnh khó khăn, xa trường… Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tổ chức họp phụ huynh để nâng cao sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội…
Bên cạnh những giải pháp của ngành, đội ngũ GV là những người có ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ của HS. Nhận thức được điều đó, ngoài đảm bảo công tác chuyên môn, các thầy cô ở đây còn rất yêu nghề và nhiệt tình trong công tác. Nhìn chung các thầy cô đều có những biện pháp riêng để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho HS yếu kém như: đăng ký chỉ tiêu phấn đấu từ đầu năm học về chất lượng giáo dục; tìm hiểu kỹ về đặc điểm, tư chất và hoàn cảnh HS để xây dựng kế hoạch phụ đạo sát với từng đối tượng; đảm bảo nội dung và phương pháp dạy học phù hợp. Phần lớn GV đều cho rằng: trong các giờ học bên cạnh việc truyền đạt nội dung thì phương pháp dạy học góp phần quan trọng vào sự thành công của giờ giảng. Riêng đối với HS yếu kém, các em lại cần phải được quan tâm, tạo điều kiện tham gia phát biểu, chữa bài trước lớp, thảo luận nhóm… để các em xóa bỏ mặc cảm yếu kém và tự tin hơn trong học tập. Đồng thời, cũng cần phải động viên, khuyến khích, rèn luyện kỹ năng cơ bản, tăng dần mức độ theo khả năng thực tế đạt được của các em. Bên cạnh đó, còn tổ chức các buổi ôn luyện cho các em HS yếu kém bằng những bài tập vừa sức, sau đó nâng dần độ khó để các em đảm bảo đạt chuẩn, xây dựng mô hình “đôi bạn cùng tiến”, môi trường học tập thân thiện… Một biện pháp tích cực nữa là các nhà trường đã biết phát huy các nguồn lực trong và ngoài nhà trường. Ví như, gắn việc phụ đạo HS yếu kém với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”; phát huy tối đa vai trò của chính quyền, đoàn thể, địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh; chủ động đề xuất với các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh nghèo, HS khó khăn có quần áo, sách vở hoặc phụ mùa giáp hạt…
Hoạt động ngoài giờ – Thiết thực góp phần hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của HS Trường phổ thông DTNT THCS Cao Lộc |
Nhờ những giải pháp thiết thực và hiệu quả, năm học 2009 – 2010, số lượng HS yếu kém khối tiểu học đã giảm 676 em, từ 14,3% HS yếu kém đầu năm học xuống chỉ còn 1,2% cuối năm học; khối THCS giảm 302 em, giảm tỷ lệ HS yếu kém từ 11,33% xuống còn 4,8% vào cuối năm học. Để có được kết quả đó, ngành GD & ĐT huyện nói chung, thầy cô và HS các nhà trường nói riêng đã nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công tác bồi dưỡng HS yếu kém. Tuy nhiên, việc tạo được môi trường học tập đồng đều, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong từng nhà trường là một yêu cầu mang tính chất lâu dài, bền bỉ. Chính vì thế, cũng cần phải có sự nỗ lực thật sự, đòi hỏi sự tận tụy, tận tâm của các thế hệ thầy cô giáo, sự phấn đấu vượt khó học tập của các em HS, có như vậy kết quả học tập mới bền vững, góp vào sự thành công chung của sự nghiệp giáo dục tại địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()