Cao Lộc: Từng bước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sở
– Những năm qua, để phát huy lợi thế kinh tế từ cây sở, UBND huyện Cao Lộc đã xây dựng kế hoạch, triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể kết nối, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sở. Qua đó, từng bước tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng sở trên địa bàn.
Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm Dầu sở Xứ Lạng của Công ty TNHH MTV OCEANLINE tại siêu thị LS Mart, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.
Hện nay, trên địa bàn huyện Cao Lộc có gần 1.500 ha trồng sở, trong đó, diện tích cho thu hoạch quả gần 900 ha. Đây cũng là một trong những huyện có diện tích trồng sở lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Những năm trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm sở phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Trước thực tế đó, để từng bước ổn định đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế từ cây sở, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả sở trên địa bàn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lộc đã phối hợp, tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV OCEANLINE (xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc) kết nối thu mua hạt sở với người dân tại các xã có diện tích trồng sở lớn. Ông Vũ Quang Dự, Giám đốc Công ty TNHH MTV OCEANLINE cho biết: Dầu sở là sản phẩm mà công ty đang tập trung phát triển sản xuất. Để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, năm 2022, công ty đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức hội nghị chuyên đề kết nối thu mua sản phẩm tại 10 xã trên địa bàn huyện. Theo đó, trong năm 2022, công ty đã thu mua gần 300 tấn hạt sở khô, với giá từ 22.000 đến 25.000 đồng/kg . Hiện nay, công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tinh dầu sở với các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ tăng sản lượng thu mua lên khoảng 1.600 tấn hạt sở khô (tương đương 6.000 tấn quả tươi) và mở rộng thu mua ra các huyện lân cận.
Ông Lương Văn Tài, thôn Yên Hạ, xã Yên Trạch cho biết: Từ nhiều năm trước, gia đình tôi đã trồng sở, tuy nhiên việc tiêu thụ hạt sở còn gặp khó do chưa có đầu ra ổn định. Khoảng 2 năm trở lại đây đã có một số doanh nghiệp, cơ sở đến thu mua, tạo đầu ra ổn định, từ đó, tôi yên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng, chăm sóc. Đến nay, gia đình có trên 5 ha sở, trong đó có trên 4 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt trên 10 tấn hạt, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ngoài Công ty TNHH MTV OCEANLINE, tại huyện Cao Lộc còn có 2 cơ sở thu mua, chế biến dầu sở là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Xuất Lễ và HTX Anh Em. Năm 2022, riêng các cơ sở trên đã thu mua khoảng 400 tấn hạt sở khô cho người dân (chiếm khoảng 25% tổng sản lượng hạt sở của huyện), phần còn lại bà con bán cho các thương lái và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Hoàng Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Yên Trạch là xã có diện tích trồng sở lớn nhất trên địa bàn huyện. Toàn xã có trên 680 ha sở, trong đó có trên 450 ha cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch hằng năm ước đạt trên 800 tấn . Để người dân không phải bán nhỏ lẻ, hạn chế phụ thuộc vào thương lái như trước, năm nay, mặc dù chưa đến vụ sở (vụ sở khoảng tháng 8 âm lịch) nhưng chính quyền xã đang tích cực phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện để tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ sở (dự kiến vào tháng 7 âm lịch) giữa các HTX, doanh nghiệp sản xuất tinh dầu sở trên địa bàn trong và ngoài huyện với các hộ dân trồng sở để hướng tới thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm sở trên địa bàn.
Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền huyện, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX, việc tiêu thụ sản phẩm sở của người dân đã từng bước ổn định. Từ vụ sở năm 2021 đến nay, hạt sở khô có giá từ 22.000 đến 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đến 5.000 đồng so với những năm trước. Bình quân 2 năm gần đây (2021 – 2022), sản lượng hạt sở của huyện đạt 1.600 tấn/năm, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNN huyện cho biết: Trong thời gian qua, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX sản xuất tinh dầu sở trên địa bàn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó, tăng sản lượng thu mua. Đồng thời, từ năm 2021 đến nay, trước thời điểm sở vào vụ, phòng đều tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất với người dân và chính quyền các xã có diện tích sở lớn, nhờ vậy đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho khoảng 25% tổng sản lượng hạt sở của huyện. Để phát triển bền vững cây sở, thời gian tới, phòng tiếp tục nghiên cứu, xác định giống cây sở hiệu quả nhất để người dân tập trung phát triển và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật chăm sóc cây sở, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề để người dân được ký kết hợp đồng bao tiêu dài hạn.
Có thể thấy, sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp đã dần hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Qua đó, từng bước tạo ổn định về đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập và mở ra hướng phát triển bền vững cho người dân trồng sở.
Ý kiến ()