Cao Lộc thực hiện thành công mô hình "Nuôi cá thịt ghép"
LSO - Tham quan một vài mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, chúng tôi nhận thấy rất rõ hiệu quả kinh tế từ mô hình “nuôi cá thịt ghép” mang lại cho bà con nơi đây. Được triển khai thực hiện từ năm 2010 đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả thực tế ở địa phương, góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Người dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào nuôi cá (thay túi vôi khử trùng 1 tuần/lần)Thời gian qua, công tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cao Lộc luôn được quan tâm, chú trọng. Toàn huyện có 95 ha mặt nước chăn nuôi thủy sản, tập trung ở các xã: Hợp Thành, Tân Liên, Gia Cát... Tuy nhiên, trước đây bà con nông dân thường chăn nuôi cá tự phát, ít chú ý đầu tư chăm sóc nên hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, năm 2010, Trung tâm thủy sản tỉnh đã triển khai mô hình “nuôi cá thịt ghép” tại một...
LSO – Tham quan một vài mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, chúng tôi nhận thấy rất rõ hiệu quả kinh tế từ mô hình “nuôi cá thịt ghép” mang lại cho bà con nơi đây. Được triển khai thực hiện từ năm 2010 đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả thực tế ở địa phương, góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Người dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào nuôi cá (thay túi vôi khử trùng 1 tuần/lần)
Thời gian qua, công tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cao Lộc luôn được quan tâm, chú trọng. Toàn huyện có 95 ha mặt nước chăn nuôi thủy sản, tập trung ở các xã: Hợp Thành, Tân Liên, Gia Cát… Tuy nhiên, trước đây bà con nông dân thường chăn nuôi cá tự phát, ít chú ý đầu tư chăm sóc nên hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, năm 2010, Trung tâm thủy sản tỉnh đã triển khai mô hình “nuôi cá thịt ghép” tại một số huyện trên địa bàn, trong đó có huyện Cao Lộc. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí mua cá giống và 40% mua thức ăn chăn nuôi. Đồng thời được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá thịt ghép như kỹ thuật đào ao, phòng và trị bệnh thông thường xảy ra ở cá, thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn… Đến nay, huyện có 12 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình với quy mô gần 5 ha diện tích mặt nước, trong đó trên 100.000 con cá giống. Nhìn chung, đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, không có hiện tượng dịch bệnh với tỷ lệ sống trên 85%. Ông Mông Sỉ Chao, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, cho biết: Ông cũng nuôi cá được mấy năm rồi. Trước đây không được tập huấn nên hiệu quả không cao lắm. Nhưng từ khi tham gia mô hình này, qua nhiều lần tập huấn, được các cán bộ hướng dẫn kỹ càng, ông đã biết cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp nên đàn cá ít dịch bệnh và cho sản lượng cao hơn.
Để đạt được kết quả đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình, Phòng NN & PTNT huyện đã làm tốt công tác chọn hộ chăn nuôi, chọn điểm để xây dựng mô hình. Đó là các hộ gia đình nhiệt tình, có điều kiện về nhân lực, ao nuôi đảm bảo kỹ thuật, mức đầu tư tương đối tốt và thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, các loại cá trắm, chép, mè, trôi… được lựa chọn đều là các loại cá dễ nuôi, ít dịch bệnh. Hơn nữa, nguồn thức ăn có thể tận dụng được từ những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong gia đình, nhờ đó quy trình kỹ thuật nuôi cũng ít phức tạp. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt bình quân từ 0,8 đến 1kg/con, năng suất đạt 7,5 tấn/ha. Hiện nay với giá bán bình quân từ 50.000 -80.000đ/1kg, mỗi ha mặt nước, bà con thu lãi gần 100 triệu đồng/năm, giá trị cao gấp 3, 4 lần so với trồng trọt. Qua đó cho thấy, mô hình này không chỉ đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào nuôi trồng thủy sản mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con, góp phần xóa nghèo, làm giàu cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. Bà Lương Thị Phương, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện nhận định, để mô hình triển khai đạt hiệu quả cao luôn cần có sự kết hợp giữa cán bộ chuyên môn và các hộ tham gia mô hình để áp dụng đúng, đủ quy trình kỹ thuật. Sau một thời gian thấy cá phát triển tốt, các gia đình càng thêm tin tưởng và hăng hái tham gia. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều xã.
Bằng những biện pháp tích cực và những kết quả bước đầu và hy vọng rằng mô hình khuyến ngư này sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng, tạo cho nông dân tâm lý mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, phát huy thế mạnh địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Hiếu
Ý kiến ()