Cao Lộc: Tập trung trị bệnh thối nhũn ở cây gừng
– Cao Lộc là một trong những huyện có diện tích trồng gừng thương phẩm lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều diện tích gừng của các hộ dân tại đây đang bị nhiễm bệnh thối nhũn, trong đó tập trung nhiều ở hai xã: Xuân Long và Tân Thành. Trước tình trạng đó, các phòng chuyên môn của huyện đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn xử lý bệnh này.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, năm 2021, diện tích trồng gừng của toàn huyện đạt trên 102 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu tại 2 xã: Xuân Long, Tân Thành (chiếm khoảng 70 ha). Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để trồng loại cây này, những năm qua, cây gừng đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của 2 xã trên. Tuy nhiên, bệnh thối nhũn đã khiến sản lượng, chất lượng của gừng bị sụt giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây.
Diện tích trồng gừng bị nhiễm bệnh của người dân tại xã Xuân Long
Ông Lò Văn Hà, người dân tại thôn Long Giang, xã Xuân Long cho biết: Vụ gừng năm nay, gia đình tôi trồng hơn 5 sào gừng xẻ. Thông thường, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sẽ đạt từ 8 tạ đến 1 tấn gừng/sào. Tuy nhiên, hiện nay hơn 1 sào gừng của tôi bị nhiễm bệnh thối nhũn, khiến cây bị vàng lá, chết cây, củ gừng không thể phát triển và dần bị thối nhũn. Nếu để nhiễm bệnh toàn bộ, sản lượng sẽ gần như mất trắng, hoặc nhẹ thì cũng giảm 50% năng suất.
Tình trạng này cũng diễn ra tại xã Tân Thành, vụ gừng năm 2021, người dân xã Tân Thành trồng trên 36 ha, trong đó, cơ bản các diện tích đều có cây bị nhiễm bệnh. Theo một số người dân tại đây, vụ gừng năm ngoái, đã có những hộ mất trắng do loại bệnh này.
Được biết, tại 2 xã Xuân Long và Tân Thành có khoảng 1.000 hộ trồng gừng. Trong đó, trung bình các hộ trồng từ 1 đến 5 sào, nhiều hộ trồng với diện tích trên 1 mẫu. Trước tình hình dịch bệnh trên cây gừng, UBND các xã đang khẩn trương hỗ trợ bà con xử lý.
Ông Lý Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết: Từ khi bệnh hại xảy ra, xã đã cử cán bộ xuống các thôn hướng dẫn bà con cách xử lý cây bị bệnh. Đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc điều trị theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện như dùng Aliette 800WG, Staner 20WP để phun… Ngoài ra, qua hệ thống loa truyền thanh, xã còn thường xuyên phát những bản tin tuyên truyền đến bà con cần thực hiện nghiêm ngặt các bước trong khâu trồng, chăm sóc cây gừng.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện, bệnh thối nhũn ở cây gừng do vi khuẩn gây ra, có tốc độ lây lan nhanh và rất khó đặc trị. Trong khi đó, vi khuẩn có thể tồn tại trong đất trong thời gian dài. Nguyên nhân chủ yếu khiến gừng dễ bị nhiễm bệnh đến từ khâu xử lý đất trước khi trồng của bà con chưa kỹ, dẫn đến chưa diệt hết được vi khuẩn có trong đất. Để có thể phòng tránh bệnh này, cách hiệu quả nhất là sau khi thu hoạch gừng, người dân cần gom toàn bộ tàn dư cây đem tiêu hủy, sau đó rắc vôi bột với liều lượng 25 đến 30 kg/sào để xử lý đất nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra sau khi trồng.
Thông thường, đối với diện tích đã bị nhiễm bệnh, cách duy nhất là chỉ có thể điều trị cục bộ. Cụ thể, đối với vườn trồng tại khu vực đất ẩm, cần rắc vôi bột để xử lý đất, còn nếu đất khô thì cần tưới bằng nước vôi trong. Với diện tích gừng đã bị nhiễm bệnh, phải bỏ những cây đã bị nhiễm bệnh, sử dụng thiết bị để khò đất với nhiệt độ cao mới có thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Bệnh thối nhũn không phải là một bệnh lạ mà đã xuất hiện từ lâu ở cây gừng, nếu không xử lý đúng cách, bệnh sẽ tiếp tục diễn ra vào vụ sau. Do đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với UBND các xã hướng dẫn bà con xử lý đất theo kỹ thuật. Đồng thời đề nghị các xã theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên cây gừng, chủ động kiến nghị, đề xuất để Phòng NN&PTNT huyện đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc đã có các văn bản hướng dẫn phương pháp trị bệnh gửi đến các xã có cây gừng bị nhiễm bệnh. Đồng thời, đôn đốc các địa phương cần khẩn trương triển khai hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách xử lý bệnh ở cây gừng. Tuy nhiên, cùng với giải pháp của cơ quan chuyên môn, người dân cần đảm bảo tốt các khâu xử lý củ giống, xử lý đất và thực hiện khâu trồng, chăm sóc đúng quy trình thì mới có thể hạn chế được bệnh thối nhũn đối với vụ sau. Từ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho chính gia đình.
Ý kiến ()