Cao Lộc: Quan tâm giáo dục truyền thống qua các địa chỉ đỏ
– Mỗi địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện Cao Lộc đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho hế hệ trẻ.
Hiện nay trên địa bàn huyện Cao Lộc có 14 di tích lịch sử, là một trong những huyện có nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Một số địa điểm nổi bật như khu di tích lịch sử Du kích Ba Sơn, đình Háng Pài, ga Tam Lung, pháo đài Đồng Đăng, nhà bia Thủy Môn Đình… đã in dấu, phản ánh đậm nét quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân huyện Cao Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Cán bộ xã Thùy Hùng giới thiệu với phóng viên về di tích Đình Háng Pài thuộc thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng
Ông Vy Minh Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Cao Lộc cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hằng năm cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chú trong thực hiện. Nhiệm vụ này gắn liền với các “địa chỉ đỏ” bằng những hoạt động cụ thể, ý nghĩa như: tổ chức tham quan, tìm hiểu lịch sử; đẩy mạnh tuyên truyền; đưa thông tin vào các cuốn lịch sử đảng bộ truyền thống…
Tháng 6/2022, Cụm thi đua số 2 thuộc Huyện đoàn Cao Lộc đã có buổi tham quan thực tế tại đình Háng Pài (xã Thụy Hùng) và di tích Pháo đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng). Buổi tham quan có gần 30 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia. Chị Lục Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hồng Phong cho biết: Việc tìm hiểu lịch sử truyền thống ngay tại chính di tích lịch sử giúp tôi có cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và những sự kiện, hoạt động như được tái hiện trước mắt khiến tôi cảm thấy rất xúc động.
Cùng với cụm thi đua số 2, hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Trung bình mỗi năm, các cơ quan, đơn vị trong huyện tổ chức trên 100 lượt tham quan đến các “địa chỉ đỏ”. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến các di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng… cũng được chú trọng. Trung bình mỗi năm, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp thực hiện trên 80 tin, bài liên quan đến các di tích lịch sử trên địa bàn tuyên truyền qua sóng truyền hình, phát thanh, đăng tải trên mạng xã hội… Qua đây, góp phần giúp toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân được tiếp cận các thông tin chính thống, hiểu rõ hơn về các sự kiện lịch sử, địa danh trên địa bàn và khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát huy giá trị các di tích.
Cùng đó, việc phản ánh khách quan, chân thực các sự kiện lịch sử gắn với các “địa chỉ đỏ” là một trong những nội dung quan trọng trong các cuốn lịch sử đảng bộ, truyền thống.
Ông Trần Văn Gia, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hùng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm đình Háng Pài và ga Tam Lung. Những dấu mốc, sự kiện về các di tích lịch sử này được thông tin cụ thể tại cuốn lịch sử Đảng bộ xã, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã thêm hiểu rõ, tự hào về phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ.
Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống trên mọi phương diện, đặc biệt qua các “địa chỉ đỏ” được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Từ đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân thêm hiểu rõ các dấu mốc lịch sử, sự kiện quan trọng diễn ra tại di tích; bồi đắp niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, tiếp thêm động lực cho các tầng lớp Nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Cao Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các “địa chỉ đỏ”, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học… tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa tại các di tích lịch sử, để mãi nhân lên niềm tự hào về truyền thống cha ông.
THANH MAI
Ý kiến ()