Cao Lộc phòng, chống mua bán người: Hội Phụ nữ tích cực vào cuộc
Đẩy mạnh tuyên truyền
Cao Lộc hiện có trên 13.000 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 23 hội cơ sở, 206 chi hội thôn, bản. Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó, chú trọng các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị buôn bán. Cùng đó, hội chủ động rà soát, nắm tình hình, diễn biến tư tưởng và đời sống; lập danh sách số phụ nữ nghi bị buôn bán để báo cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu, giúp đỡ.
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2015, các cấp Hội phụ nữ huyện đã tổ chức được 285 cuộc tuyên truyền, phát hàng nghìn tờ rơi cho trên 9.700 lượt người. Qua đây, góp phần nâng cao hiểu biết của hội viên, phụ nữ trong phòng, chống mua bán người.
Nhờ vậy, số nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Cao Lộc những năm gần đây đã giảm hẳn. Đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, huyện không có nạn nhân nào trong khi năm 2007 và 2008 có tới 11 người; giai đoạn 2010 – 2013 có 4 trường hợp.
Phụ nữ huyện Cao Lộc tham gia Ngày hội Văn hóa – Thể thao xã Hải Yến
Quan tâm giúp đỡ nạn nhân
Với những nạn nhân trở về địa phương, các cấp hội đã chủ động gặp gỡ, động viên, giúp họ ổn định tinh thần. Đồng thời, thực hiện công tác hỗ trợ khám sức khỏe; hỗ trợ pháp lý để họ yên tâm cư trú, sinh sống và học tập. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tư vấn, tạo điều kiện về vốn, giới thiệu việc làm cho các nạn nhân, giúp họ dần xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.
Chị Nông Thị C, xã Yên Trạch do nhẹ dạ nên từng là nạn nhân trong một vụ buôn bán người ra nước ngoài. Năm 2010, khi về được, gặp lại người thân trong gia đình, chị vô cùng hạnh phúc, tuy nhiên lại thường mặc cảm về số phận mình. Sau khi được cán bộ Hội Phụ nữ xã trực tiếp gặp gỡ động viên, chị có thêm nghị lực vượt qua. Không những thế, chị còn được hỗ trợ tiền làm nhà, được vay vốn phát triển kinh tế, giờ đây, chị đã vững vàng bước đi trên con đường mới, yên ấm và tươi sáng hơn.
Hiện nay, tuy nạn nhân bị mua bán không có người trên địa bàn nhưng tình trạng buôn bán người qua địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp. Ông Lăng Đức Thịnh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện cho biết: 9 tháng đầu năm 2015, chúng tôi đã tiếp nhận 6 trường hợp là nạn nhân bị mua bán đều là người tỉnh khác, trong đó có 2 người ở tận Sóc Trăng.
Có lẽ đây cũng là khó khăn lớn nhất trong việc phòng, chống mua bán người của các cấp, ngành của huyện Cao Lộc nói chung, Hội Phụ nữ huyện nói riêng khi mà tội phạm và nạn nhân lại không phải người địa phương, rất khó kiểm soát. Chị Hà Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: để khắc phục, một mặt chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; vận động hội viên, phụ nữ, nhất là chị em khu vực giáp biên chủ động tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Đồng thời mong các cấp, ngành có giải pháp đồng bộ, sự liên kết chặt chẽ để công tác này ngày càng hiệu quả hơn.
Ý kiến ()