Cao Lộc: Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực
– Những năm gần đây, huyện Cao Lộc đã tập trung chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Cùng đó, chú trọng kết nối xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Lã Văn Lâm, thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư cho biết: Gia đình tôi đã trồng và phát triển cây hồng Bảo Lâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây, việc tiêu thụ hồng gặp khó do chưa có đầu ra ổn định. Từ khi có Công ty Transtech Lạng Sơn liên kết thu mua (từ năm 2020), sản phẩm hồng của gia đình có đầu ra ổn định, từ đó, tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng, chăm sóc. Đến nay, gia đình có trên 800 cây hồng, trong đó có 600 cây đã cho thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt từ 10 đến 13 tấn, mang lại thu nhập gần 250 triệu đồng/năm.
Người dân xã Hòa Cư chăm sóc hồng không hạt Bảo Lâm
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2020, xã Hòa Cư đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển cây hồng Bảo Lâm theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Tô Văn Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Cùng với tập trung hỗ trợ sản xuất, xã cũng quan tâm kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm hồng Bảo Lâm cho bà con. Đến nay, sản phẩm hồng của người dân đã được doanh nghiệp, thương lái thu mua với giá ổn định. Hiện toàn xã có trên 90 ha hồng Bảo Lâm, sản lượng hồng hằng năm đạt trên 300 tấn, đem lại giá trị kinh tế hơn 5,5 tỷ đồng.
Không chỉ xã Hòa Cư, từ năm 2020, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của xã. Cùng đó, các cơ quan chuyên môn huyện cũng tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ năm 2020 đến nay đã phối hợp tổ chức được 13 lớp tập huấn với hơn 600 lượt người tham gia. Qua đó, người dân biết áp dụng khoa học – kỹ thuật trong phát triển sản xuất, từ đó mở rộng quy mô và dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện toàn huyện đã hình thành 5 vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực, điển hình như: vùng trồng hồi diện tích trên 5.300 ha ở các xã: Xuất Lễ, Cao Lâu…, sản lượng đạt trên 4.400 tấn/năm; vùng trồng sở diện tích trên 1.400 ha, tập trung tại các xã: Yên Trạch, Công Sơn…, sản lượng đạt trên 1.820 tấn hạt khô/năm; vùng trồng hồng, diện tích trên 410 ha tại các xã: Hòa Cư, Hải Yến, sản lượng đạt trên 1.200 tấn/năm…
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, ngày 5/3/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 26 triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030.
Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Kế hoạch số 26 của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 27 ngày 28/5/2021. Trong đó, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn để làm cơ sở phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp, HTX xây dựng hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cùng sự chủ động từ người dân, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 12 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử một số chuỗi liên kết như: HTX Tân Thành, HTX Xuân Long trồng và liên kết tiêu thụ gừng với Công ty Đại Nguyễn Lạng Sơn; HTX Hải Yến liên kết tiêu thụ hồng Bảo Lâm với Công ty Transtech Lạng Sơn… Qua các chuỗi liên kết tiêu thụ, các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của huyện có đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu và phát triển bền vững.
Việc xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Tổng thu từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực năm 2021 của huyện đạt từ 200 đến 230 tỷ đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()