Cao Lộc: Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu
LSO- Trung tuần tháng 7/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cao Lộc đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Cao Lộc là huyện có nhiều đơn vị hành chính nằm trong phạm vi 394 km2 của Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Ông Triệu Văn Quân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: để phát huy lợi thế, huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tạo điều kiện và môi trường thông thoáng để thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, thúc đẩy thương mại, du lịch, dịch vụ và xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Khách du lịch làm thủ tục xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: LÊ MINH
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể của tỉnh và các ngành, Cao Lộc đã lập và công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2011-2020, đồng thời phối hợp với các ngành của tỉnh trong triển khai lập quy hoạch trên địa bàn các xã, thị trấn trong phạm vi khu kinh tế cửa khẩu và phối hợp triển khai các quy hoạch đó.
Ngoài việc triển khai các chương trình, dự án được giao làm chủ đầu tư, huyện đã chủ động phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trong giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu.
Từ năm 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn huyện đạt trên 4,2 nghìn tỷ đồng với 11 dự án. Trong đó có 5 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; các dự án còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đầu tư như các tuyến đường kết nối các xã biên giới; những công trình trong phạm vi Cửa khẩu Hữu Nghị…, tạo động lực thúc đẩy thương mại, du lịch, dịch vụ. Trong giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng bình quân 14,9%; ước năm 2015 đạt trên 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 70% so với toàn tỉnh. Giá trị dịch vụ, thương mại đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 11,49%; xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2014 đạt gần 2 tỷ USD.
Hàng hóa vận chuyển qua ga đường sắt Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Ảnh: BT
Về công nghiệp – xây dựng, hoạt động sản xuất trong khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tiếp tục duy trì, phát triển ổn định. Các sản phẩm chủ yếu như máy bơm nước, động cơ điện, đá xây dựng, gạch… tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2011-2014 là 15,2%, ước đến hết năm 2015, tốc độ tăng trưởng là 17,3%/năm.
Ngoài thương mại, du lịch, dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, sản xuất nông nghiệp tại các xã trong phạm vi khu kinh tế cửa khẩu cũng được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó, đặc biệt là vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng của nông nghiệp đạt 7,1%/năm, cao hơn so với trung bình của toàn tỉnh, tạo ra sự ổn định để thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, phát triển toàn diện trong khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2011-2015, kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tăng 18,1%, vượt 29% so với kế hoạch, tăng 8% so với bình quân chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế trong khu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần dịch vụ, thương mại.
Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã nêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế đó là: Phát huy lợi thế nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đây cũng là định hướng quan trọng của Cao Lộc về phát triển kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn 2015-2020.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()