Chủ nhật, 24/11/2024 03:42 [(GMT +7)]
Cao Lộc: Nỗ lực đưa chính sách dân tộc đến với người dân
Thứ 6, 04/05/2012 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
Có thể nói, từ việc thực hiện tốt các chương trình của Đảng và Nhà nước đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn nên bộ mặt nông thôn của huyện Cao Lộc đã từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, kết quả này đã thể hiện tính ưu việt và đúng đắn của chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
LSO-Cao Lộc là một huyện biên giới, toàn huyện có 21 xã và 2 thị trấn, trong đó có 7 xã và 8 thôn vùng 2 nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc Dao chiếm khoảng 30% tổng dân số toàn huyện. Do nhận thức không đồng đều, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, 8 năm qua với chức năng, nhiệm vụ của mình Phòng dân tộc huyện Cao Lộc đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của toàn huyện. Từ chính sách dân tộc như 120, 134, 135 huyện đã đầu tư gần 50,8 tỷ đồng cho các dự án hợp phần của chương trình, trong đó đã dành trên 27 tỷ đồng để mở mới 118 km đường giao thông nông thôn, trên 5,2 tỷ đồng phát triển thủy lợi, trên 6,2 tỷ đồng kéo điện lưới, hơn 4 tỷ đồng cho các công trình cung cấp nước sinh hoạt. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn khoảng 22,7%.
Chương trình nước sinh hoạt của Chính phủ đến với
người dân xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc
Gia đình ông Tô Văn Bích ở thôn Khuân Cuổng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc trước đây là một trong những hộ đói kinh niên. Những năm qua, được hưởng các chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ chính sách dân tộc như chương trình 134, 135 cả hai giai đoạn, hỗ trợ sản xuất, tập huấn chuyển giao KHKT… đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, sắm sửa được những vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình và sản xuất nông nghiệp. Trong ngôi nhà ấm cúng ông không giấu nổi niềm vui: được Nhà nước hỗ trợ từ chương trình 135, chúng tôi rất cảm ơn. Xây được nhà chúng tôi thấy yên tâm và ổn định hơn rồi.
Cũng như gia đình ông Bích, nhiều gia đình nghèo khác ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc từ các chính sách dân tộc đã có điều kiện để lao động, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ chương trình 134, 135 cả hai giai đoạn, xã Thạch Đạn đã đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm. Hàng chục công trình nước sạch đến với bà con, những con đường dân sinh được mở rộng và kéo được đường điện hạ thế dài 2km cho thôn xa nhất trong xã với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Có điện, đời sống của bà con nơi đây đã bớt khó khăn hơn. Ông Lý Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đạn chia sẻ: Xã đã làm tốt việc lựa chọn công trình cần đầu tư xây dựng và chủng loại vật tư, giống cây con hỗ trợ cho bà con để phát triển sản xuất. Kết thúc giai đoạn 1 và 2 cả xã đã có 5 dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt phục vụ các hộ dân của 6 thôn, có 3 dự án xây dựng được gần 3km đường và 2 cầu thuộc hệ thống giao thông liên thôn, có 4 dự án xây dựng được 10 phòng học cho các cấp học, có 1 dự án đầu tư xây dựng được hơn 2.000m đường điện hạ thế.
Ông Hoàng Văn Lương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Lộc cho biết: thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện, trong quý I năm 2012, vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn huyện tiếp tục được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế – xã hội ổn định và phát triển. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chủ động giao cho các đơn vị sớm triển khai các chương trình mục tiêu và lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện và vận động nhân dân đóng góp để thực hiện kế hoạch huyện giao. Nhìn chung các chương trình, dự án chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.
Lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở Trường Cao đẳng Nghề
công nghệ và Nông lâm Đông Bắc
Đến nay, do chỉ đạo triển khai tốt các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình 135 giai đoạn 2, 5/12 xã của huyện Cao Lộc đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số giảm từ 2-3%/năm, 100% số hộ nghèo được xoá nhà tạm, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, một số tuyến đường được nhựa hóa; đường giao thông nông thôn tại các thôn bản được bê tông hóa; 97% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 70% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Y tế, giáo dục được đầu tư, hơn 80% trường học được kiên cố hóa. Các xã, thị trấn đều có trường mầm non, tại 2 xã đặc biệt khó khăn là Công Sơn, Mẫu Sơn đã triển khai được mô hình bán trú dân nuôi.
Có thể nói, từ việc thực hiện tốt các chương trình của Đảng và Nhà nước đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn nên bộ mặt nông thôn của huyện Cao Lộc đã từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, kết quả này đã thể hiện tính ưu việt và đúng đắn của chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Thái Dương
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()