Cao Lộc: Người dân tăng thu từ trồng thông
– Trong những năm qua, người dân huyện Cao Lộc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trong đó, chủ yếu là trồng cây thông, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Gia đình ông Lý Văn Cờ, thôn Nà Múc, xã Tân Thành là một trong những hộ có thu nhập cao từ việc khai thác nhựa thông. Ông Cờ cho biết: Năm 1996, theo dự án 327, tôi trồng được hơn 500 cây thông. Sau hơn 15 năm trồng, chăm sóc, cây thông cho khai thác nhựa. Mỗi năm, tôi thu được hơn 7 tạ nhựa, với giá bán dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, riêng nhựa thông đã đem lại thu nhập hơn 22 triệu đồng/năm. Đến năm 2020, sau khi khai thác nhựa, tôi bán gỗ thông được 35 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, đầu năm 2021, tôi đã mua lại hơn 1.000 cây thông của người dân xã Xuân Long để khai thác nhựa, từ đầu năm 2021 đến nay, tôi đã khai thác được hơn 4 tấn nhựa, với giá từ 30.000 đến 33.000 đồng/kg, thu về hơn 90 triệu đồng.
Người dân thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc thu hoạch nhựa thông
Cây thông không chỉ giúp gia đình ông Cờ có thêm thu nhập mà còn là động lực giúp nhiều hộ khác trên địa bàn xã Tân Thành vươn lên thoát nghèo. Ông Lương Văn Cai, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã đã tập trung trồng cây thông để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Theo đó, trung bình mỗi năm, người dân trồng được từ 30 đến 50 ha. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.500 ha thông, trong đó, trên 60% diện tích đang cho thu, hoạch nhựa. Từ trồng thông, đời sống của nhiều hộ dân đã được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 6,02% năm 2016 xuống còn 3,4% năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm (tăng 16 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).
Không chỉ tại xã Tân Thành, người dân tại các xã khác trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng đã phát triển trồng thông đem lại thu nhập cao, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Qua tìm hiểu, cây thông đã được người dân huyện Cao Lộc đưa vào trồng từ những năm 1996 thông qua các dự án như: 327, Việt Đức, 661. Tuy nhiên, vào những năm đó, người dân chưa trồng nhiều bởi chưa thấy hiệu quả kinh tế đem lại. Đến năm 2010, khi một số hộ đã có thu nhập cao từ khai thác nhựa thông thì phong trào trồng thông mới phát triển mạnh, người dân mới chủ động trồng đại trà.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, toàn huyện có tổng diện tích rừng hơn 43.000 ha, trong đó, rừng trồng chiếm trên 77% tổng diện tích rừng toàn huyện (riêng cây thông đã chiếm 69% diện tích rừng trồng với hơn 22.000 ha). Cây thông được trồng nhiều ở các xã như: Cao Lâu, Xuất Lễ, Thanh Lòa, Hải Yến, Gia Cát, Yên Trạch, Tân Thành. Cây thông được người dân trồng chủ yếu để khai thác nhựa và lấy gỗ. Với diện tích trên, hằng năm, sản lượng thu hoạch nhựa đạt trên 13.000 tấn, giá trị kinh tế đem lại trên 276 tỷ đồng. Từ trồng thông, đã có nhiều hộ dân trong huyện đạt thu nhập bình quân hằng năm từ 150 đến 300 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Hằng năm, từ các nguồn vốn phát triển lâm nghiệp của trung ương, của tỉnh và nguồn vốn sự nghiệp của huyện, phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai hỗ trợ người dân cây giống thông để trồng mới, trồng thay thế diện tích đã khai thác. Trung bình mỗi năm, huyện hỗ trợ bà con trên địa bàn trồng được từ 300 đến 400 ha thông. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, trồng thông còn phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện Cao Lộc đến nay đạt 70,1%, đây là tỷ lệ cao trong toàn tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để bà con duy trì diện tích thông hiện có và trồng thay thế những diện tích đã khai thác.
Cùng với việc chú trọng phát triển trồng thông, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Hằng năm, các xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc, bảo vệ rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Rừng thông đã giúp người dân có thêm thu nhập và từng bước nâng cao đời sống, qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cao Lộc còn 6,65% (năm 2020), giảm 16,61% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2016)
Ý kiến ()