Cao Lộc hướng vào sản phẩm chủ lực
Nông dân xã Lộc Yên (Cao Lộc) chăm sóc cây hồng |
Cao Lộc là một trong những huyện có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Nói về cây ăn quả, Cao Lộc có hồng Bảo Lâm, mận Hòa Cư, Hải Yến. Nói về lâm sản truyền thống, Cao Lộc có hồi, thông mã vĩ và đây cũng được coi là “vành đai” rau xanh cung cấp cho khu vực thành phố và các huyện lân cận. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển sản xuất là một trong những hướng đi đã được Ban chấp hành Đảng bộ huyện xác định. Minh chứng là ngay sau khi khởi động Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, cuối tháng 12/2011, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 30 về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015.
Mặc dù được quan tâm chỉ đạo, nhưng trong những năm đầu tiên triển khai, cấp cơ sở vẫn còn nhiều lúng túng. Điều này phải phân tích trong bối cảnh chung lúc bấy giờ. Các xã ồ ạt làm quy hoạch, rồi xây dựng đề án cho kịp tiến độ, bởi vậy mà nhiều xã phó mặc cho đơn vị tư vấn, dẫn tới chất lượng quy hoạch, đề án chưa cao. Thực trạng chung là phần đa quá chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, coi nhẹ phát triển sản xuất. Bởi vậy mà việc xác định đâu là loại cây thế mạnh, sản phẩm chủ lực còn nhiều lúng túng.
Bởi vậy mà khi hồng Bảo Lâm mặc dù có giá, khẳng định được thương hiệu nhưng lại đang đối mặt với sâu bệnh, thoái hóa; cây mận hàng năm cho giá trị kinh tế cao, nhưng diện tích lại bị thu hẹp. Các nông sản khác như rau màu…khó khăn trong tiêu thụ. Rất nhiều sản phẩm chủ lực đang chờ được phục tráng, mở rộng thì nhiều xã lại đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại Hưng Yên. Kết quả là năm 2013, sau khi học tập, các xã Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới để trồng chuối tiêu hồng, cam đường. Những loại cây không hợp đất đã thất bại, còn cây chủ lực thì không phát triển được thêm.
Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng khái: nhìn thẳng vào thất bại và nghiêm túc rút kinh nghiệm là những việc huyện đang làm và hiện nay, sau khi xác định các loại cây trồng, sản phẩm chủ lực, mô hình phát triển sản xuất sẽ phải hướng vào đó. Ngoài rau màu và các loại cây ăn quả, thì Cao Lộc còn có thế mạnh về rừng. Hiện nay toàn huyện có khoảng 2.000 ha thông đến tuổi khai thác nhựa và trên 2.500ha hồi đang cho thu hoạch. Ước tính riêng từ các sản phẩm này, hàng năm mang lại thu nhập xấp xỉ gần 700 tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn. Việc cần làm là làm sao nâng cao được giá trị, tăng diện tích, mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực này.
Ông Hoàng Quy cho biết: hiện nay huyện đang tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất với nông dân. Vừa qua đã có doanh nghiệp liên kết trồng lạc tại Tân Liên, Gia Cát và một số doanh nghiệp đang khảo sát để liên kết phát triển cây ăn quả. Mặt khác Ban chỉ đạo huyện cũng chỉ đạo các xã hướng mạnh vào phát triển giao thông, thủy lợi để tạo động lực cho sản xuất. Năm 2014, sau những bài học kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, Cao Lộc đã và đang có những bước đi đúng.
Đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 2 xã đạt từ 9-10 tiêu chí; 6 xã đạt từ 5-6 tiêu chí, tăng 6 xã so với 3 năm trước đó. Đây là con số đáng khích lệ. Nhưng từ nay đến hết năm 2015, việc đưa các xã điểm là Hải Yến, Tân Thành, Gia Cát, Cao Lâu cơ bản trở thành xã nông thôn mới là nhiệm vụ rất nặng nề. Động lực quan trọng để đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới chính là phải xác định đúng hướng đi, phát huy được tối đa, tiềm năng thế mạnh để phát triển sản xuất có hiệu quả.
Ý kiến ()