Cao Lộc: Gìn giữ vẻ đẹp độc đáo trong trang phục của người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt
– Huyện Cao Lộc có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Nùng chiếm đa số với tỷ lệ 57,95% dân số của huyện. Dân tộc Nùng nơi đây chủ yếu thuộc nhóm Nùng Phàn Slình Cúm Cọt. Đây cũng là nhánh Nùng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, nổi bật là vẻ đẹp rực rỡ trong trang phục truyền thống. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực gìn giữ nét đẹp văn hóa này.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Kiệm, 51 tuổi, dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt, thôn Tằm Liền, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đúng lúc chị đang tất bật với công việc may, thêu trang phục truyền thống. Chị Kiệm cho biết: Từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm trang phục truyền thống. Tôi rất tự hào về trang phục của dân tộc mình, vì thế, để gìn giữ nép đẹp của dân tộc tôi đã truyền nghề cho các con, cháu và nhận thêm cả việc may, bán quần áo cho những ai có nhu cầu.
Người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc thể hiện điệu hát sli truyền thống tại Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn (năm 2020)
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: bộ trang phục của phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt thường là áo 5 thân màu chàm bên ngoài, bên trong mặc áo kẻ xanh hoặc kẻ đỏ, cổ áo có đính tua chỉ màu xanh. Áo của người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt không may phần nẹp cổ và ngực to bản như nhánh Nùng Phàn Slình khác mà chỉ may đường chỉ trắng tạo điểm nhấn cho trang phục. Quần thường rộng khổ, gấu quần không thêu thùa, quần đũng chân què, cặp lá tọa. Khi mặc quấn dây lưng quanh bụng. Trang phục nữ thường đi kèm phụ kiện mũ, khăn, túi được thêu bằng nhiều họa tiết chỉ nổi bật với các màu xanh, đỏ… Riêng phần khăn quấn của phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt cũng là điểm nổi bật khác biệt so với các nhánh Nùng Phàn Slình khác. Nếu các nhánh Nùng khác phần khăn quấn chủ yếu có màu chàm đặc trưng thì phần khăn quấn của người Nùng Phàn Slình được thêu thùa tỉ mỉ từ những sợi len nhỏ nhiều màu và có phần đuôi khăn là vải trắng.
Đối với trang phục nam của người Nùng thường là áo cánh ngắn tứ thân, hai bên nẹp áo đính hàng cúc vải gồm 7 khuy, cổ áo may dáng cổ tàu, có 3 đến 4 túi được táp các miếng trang trí có họa tiết hoa văn hình học, hoa lá… Phần xẻ tà áo được trang trí các rua chỉ màu. Quần kiểu đũng chéo chân què, cạp quần may rộng kiểu cạp lá tọa, khi mặc vắt mối về phía trước rồi dùng dây vải thắt lại cho chặt.
Ông Tô Văn Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc cho biết: Xã có 70% dân số là dân tộc Nùng. Để gìn giữ trang phục truyền thống, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân truyền dạy lại cách may, thêu trang phục truyền thống và mặc trang phục truyền thống vào các cuộc họp thôn, xã, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… Đến nay, 5/5 thôn trong xã đều duy trì nghề may, thêu trang phục truyền thống, các trường học trên địa bàn đều duy trì mặc trang phục truyền thống cho các em học sinh khi tới trường.
Hiện nay, phụ nữ Nùng Phàn Slình Cúm Cọt trên địa bàn các xã như: Cao Lâu, Xuất Lễ, Hải Yến, Hòa Cư, Thanh Lòa, Lộc Yên… vẫn lưu giữ việc may, thêu và duy trì việc mặc trang phục truyền thống trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, trên địa bàn huyện vẫn có trên 20 nghệ nhân lưu giữ và phát huy việc may, thêu bộ trang phục truyền thống.
Để có những kết này, thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn trang phục người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch 117/KH- UBND, ngày 3/7/2019 của UBND tỉnh về Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có đồng bào Nùng sinh sống đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi; chỉ đạo các trường học trên địa bàn các xã có đông người Nùng sinh sống triển khai cho 100% học sinh mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ; hằng năm, xây dựng trên 10 tin, bài, phóng sự quảng bá về bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn…
Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức Nhân dân trong việc gìn giữ giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt. Đặc biệt, phòng sẽ phối hợp, chú trọng nghiên cứu mở các lớp truyền dạy nghề may, thêu trang phục truyền thống trên địa bàn…
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng những nét đẹp văn hóa của người Nùng Cúm Cọt sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Xứ Lạng.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Lạng Sơn hiện có 3 nhóm dân tộc Nùng gồm: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình (trong nhóm Nùng Phàn Slình lại chia thành 3 nhánh gồm: Nùng Phàn Slình Cúm Cọt, Nùng Phàn Slình Hua Lài và Nùng Phàn Slình áo dài). Mỗi nhóm đều có sự trang trí trên trang phục khác nhau, đặc biệt so với các nhóm dân tộc Nùng khác thì bộ trang phục truyền thống của người Nùng Phàn Slình Cúm Cọt được trang trí với màu sắc rực rỡ, bắt mắt hơn cả. |
TUYẾT MAI
Ý kiến ()