Cao Lộc: Gần 800 học sinh dự chương trình phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật
Học sinh đóng vai “bị cáo” trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử tại PTGĐ
– Chiều 25/5/2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cao Lộc tổ chức chương trình phiên tòa giả định (PTGĐ) tuyên truyền pháp luật cho học sinh, xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường.
Dự chương trình có lãnh đạo Tỉnh đoàn, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, đại diện Sở Tư pháp, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, một số ban, ngành, đoàn thể huyện Cao Lộc, cùng gần 800 học sinh của trung tâm.
Tại chương trình, học sinh đã được xem tiểu phẩm về phòng chống bạo lực học đường với nội dung mô phỏng lại sự việc một nam học sinh, trong lúc kích động đã gây thương tích cho bạn cùng lớp.
Các học sinh chăm chú theo dõi PTGĐ
Sau đó các học sinh đã được tham dự PTGĐ xét xử tội danh “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Theo cáo trạng, ngày 1/3/2022, nhóm học sinh trong lớp 12A1, Trường THPT Việt Thanh, gồm: Nguyễn Mạnh Đạt, Hứa Quang Minh, Nông Quốc Trung rủ nhau kiếm cớ gây sự để đánh Tống Anh Hào (là bạn học cùng lớp). Lần thứ nhất, trong lúc đi học, nhóm của Đạt đã gây sự với Hào, nhưng Hào đã kiềm chế, sự việc được can ngăn nên chấm dứt. Lần thứ hai, khi đến giờ tan trường, nhóm của Đạt tiếp tục gây sự, chửi bới, đánh đấm, bắt Hào phải quỳ xuống xin lỗi, đỉnh điểm là việc Đạt đã giằng lấy chiếc áo Hào mới mua để tặng mẹ. Vì quá bức xúc trước những hành vi đó, không kiềm chế được bản thân, Hào đã nhặt hòn đá ở ven đường đập 2 phát vào đầu của Đạt. Hậu quả Đạt bị chấn thương sọ não với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 37%. Hành vi của Hào đã phạm vào tội: “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, quy định tại Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hào mức án 9 tháng tù cải tạo không giam giữ với tội danh trên và giao bị cáo cho UBND xã nơi cư trú giám sát, giáo dục.
Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường
Kết thúc PTGĐ, các học sinh còn được tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua các câu hỏi giao lưu về PTGĐ vừa diễn ra, và một số quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy; giao thông đường bộ…
Đây là chương trình ý nghĩa, thiết thực, hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động cho học sinh. Qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện, an toàn.
Ý kiến ()