Cao Lộc: Đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình về vùng khó
- Những năm qua, cơ quan dân số huyện Cao Lộc đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đến với người dân trên địa bàn, trong đó chú trọng những xã vùng ba, biên giới, khu vực có mức sinh cao.
Ông Hoàng Văn Kiếm, Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế (TTYT) Cao Lộc cho biết: Tại các xã vùng sâu, vùng cao biên giới, phần lớn người dân ít có cơ hội, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tồn tại nhiều hủ tục... nên những năm trước tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên luôn ở mức cao (dao động trên 13%). Trước tình trạng đó, những năm qua, chúng tôi đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các khu vực này.
Hằng năm, TTYT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, trạm y tế các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền về: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các kiến thức cơ bản về công tác dân số và phát triển, công tác chăm sóc SKSS, lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ…
Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt đoàn thể được 946 buổi cho hơn 36.000 lượt người; trên 1.100 cuộc nói chuyện chuyên đề với hơn 10.600 lượt người; gần 4.300 cuộc thăm hộ gia đình; 6.500 buổi tuyên truyền tại trạm y tế cho trên 19.000 lượt người…
Đặc biệt, cơ quan dân số huyện đã chú trọng tổ chức truyền thông đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại địa bàn có mức sinh cao, các xã vùng ba. Từ năm 2023 đến nay, TTYT Cao Lộc đã tổ chức truyền thông tại các xã vùng ba, vùng biên được 23 buổi cho trên 1.300 lượt người. Từ đó, người dân trên địa bàn, nhất là các xã được nâng cao nhận thức, chủ động lựa chọn các biện pháp KHHGĐ phù hợp, thực hiện đúng chính sách dân số.
Chị Lý Thị Hợp, thôn Co Khuất, xã Thanh Lòa bộc bạch: Nhờ được cán bộ xã tuyên truyền thường xuyên nên những năm qua, gia đình tôi chấp hành tốt chính sách dân số KHHGĐ. Cụ thể, vợ chồng tôi đã lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp, chỉ sinh đủ 2 con.
Không chỉ tích cực tuyên truyền, hằng năm, cơ quan dân số huyện đã chủ động rà soát, tổng hợp báo cáo UBND huyện bố trí kinh phí mua sắm, đảm bảo đủ phương tiện tránh thai cấp miễn phí cho người dân trên địa bàn. Đồng thời củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên các thôn bản, khối phố để đưa dịch vụ hàng hóa, phương tiện tránh thai về với vùng cao, biên giới. Hiện nay, toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn có cán bộ chuyên trách dân số, 156 cộng tác viên dân số/154 thôn bản, khối phố.
Cùng đó, 22/22 trạm y tế xã, thị trấn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Kết quả, từ năm 2023 đến nay, cơ quan dân số huyện đã cung cấp trên 600 liều thuốc tiêm tránh thai; gần 300 vòng tránh thai; hơn 9.000 vỉ thuốc uống tránh thai các loại. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, TTYT huyện đã tổ chức khám sàng lọc các bệnh phụ khoa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã vùng ba, biên giới được 12 buổi cho hơn 600 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Lý Thu Chuyên, cán bộ chuyên trách dân số xã Lộc Yên cho biết: Sinh sống ở xã vùng ba, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, một số người dân trên địa bàn xã vẫn còn tư tưởng “Trời sinh voi sinh cỏ”. Do đó, chúng tôi đã phối hợp tuyên truyền vận động, tư vấn về dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ đó đến nay, 232/305 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã đã chủ động lựa chọn, sử dụng các phương tiện tránh thai hiện đại để sinh con đúng chính sách dân số.
Với những biện pháp thiết thực đó, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc ngày càng được nâng cao, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 66,8%.
Tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn huyện giảm dần, nếu như năm 2021 là 16,9%; năm 2022 là 16,8% thì năm 2023 giảm xuống còn 13,7%; 6 tháng đầu năm nay là 12,3% (của tỉnh 6 tháng đầu năm là 12,8%). Như vậy, việc đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ về với thôn, bản nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới đã phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()