Cao Lộc: Chú trọng phát triển cây sở
– Thời gian qua, nhận thấy cây sở phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển cây sở. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Với 3 ha sở, năm 2020, gia đình anh Ngô Văn Thực, thôn Nà Háo, xã Yên Trạch thu hoạch được gần 3 tấn quả, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Anh Thực cho biết: Cây sở đã được trồng từ chục năm trước, nhưng lúc ấy việc tiêu thụ còn rất khó khăn, khoảng 3 năm trở lại đây đã có thương lái đến tận nơi thu mua với giá cả tương đối ổn định. Năm 2019, tôi được xã hỗ trợ vật tư nông nghiệp và được cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sở, qua đó năng suất tăng gần gấp đôi so với trước đây. Gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích trồng.
Người dân thôn Nà Háo, xã Yên Trạch chăm sóc cây sở
Ngoài gia đình anh Thực, hiện nay, phong trào trồng sở trên địa bàn xã Yên Trạch phát triển mạnh. Ông Hoàng Trung Triều, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 ha sở, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 400 ha với sản lượng trung bình 1.200 tấn/năm. Để phát triển cây sở, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất mở rộng diện tích. Đơn cử như năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, xã hỗ trợ người dân 200 triệu đồng để trồng mới 50 ha sở.
Tương tự Yên Trạch, xã Tân Thành cũng chú trọng phát triển cây sở. Ông Lương Văn Cai, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Năm 2016, diện tích cây sở trên địa bàn xã chỉ khoảng 60 ha, nhận thấy cây sở phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại nguồn thu nhập cho người dân, UBND xã đã tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con. Năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hỗ trợ cây giống giúp bà con trên địa bàn xã trồng mới 20 ha. Đến nay, trên địa bàn xã có gần 100 ha cây sở. Nhiều hộ thu nhập 30 triệu đồng/năm từ trồng sở, nhờ đó giúp cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 6,02% (năm 2016) xuống còn 3,4% (năm 2020), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm năm 2020 (tăng 16 triệu đồng so với năm 2016).
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sở là cây lâm nghiệp đa mục đích, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Do vậy, thời gian qua, phòng đã phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã phối hợp tổ chức được 25 lớp tập huấn với gần 1.300 người tham dự, cấp phát 1.255 bộ tài liệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sở. Đặc biệt, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã thực hiện dự án nhân rộng mô hình trồng sở, trong đó, hỗ trợ người dân trồng mới 151 ha. Dự kiến năm 2021, tổng diện tích trồng mới của huyện đạt 150 ha, đến thời điểm này, các xã đã trồng được 90 ha sở.
Cây sở được trồng nhiều tại các xã: Yên Trạch, Cao Lâu, Xuất Lễ, Thuỵ Hùng, Hải Yến… với diện tích 1.013 ha, sản lượng đạt trên 1.100 tấn/năm. Thời điểm hiện tại, đã có thương lái đến tận vườn thu mua với giá trung bình 15.000 đến 16.000 đồng/kg, với các hộ trồng nhiều từ 3 ha đến 8 ha, thu nhập đạt khoảng 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 23,26% (năm 2016) xuống còn 6,65% (năm 2020); thu nhập bình quân đến hết năm 2020 đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2016).
Sở là loại cây không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc, trung bình khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch quả. Theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện, để nâng cao năng suất, chất lượng, người dân cần thường xuyên phát quang cây tạp, tạo không gian cho cây sở phát triển. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích sở đang có và tích cực mở rộng diện tích trồng mới, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.200 ha sở. Đặc biệt, trong năm 2021, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Bắc Lạng liên kết thu mua sản phẩm sở với người dân để chế biến tinh dầu sở. Qua đó, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đồi rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.
HỒ DUNG
Ý kiến ()