Cao Lộc chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi
LSO-Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, thời gian qua, huyện Cao Lộc đã chủ động nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, qua đó, hạn chế, xử lý kịp thời bệnh phát sinh.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Cao Lộc phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn |
Trong tháng 1/2017, tại xã Hồng Phong đã xuất hiện ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Ngay khi được tin báo, Trạm Thú y huyện Cao Lộc đã kịp thời xử lý, qua đó khống chế ngay ổ bệnh, không để lây lan sang các đàn khác. Qua tìm hiểu được biết, bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn rất dễ lây lan, nếu không xử lý kịp thời sẽ tạo thành dịch lớn. Nhờ kịp thời trong xử lý ổ bệnh đã giúp đàn gia súc nói riêng và toàn bộ các loại vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định.
Là cơ quan trực tiếp giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai phun tiêu tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, Trạm Thú y huyện đã chủ động các giải pháp. Ông Vũ Hồng Quân, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Thú y huyện Cao Lộc cho biết: Để hạn chế, xử lý kịp thời dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, từ đầu năm đến nay trạm đã tham mưu, trình UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về kế hoạch giao chỉ tiêu tiêm phòng cho các xã, thị trấn; kế hoạch tháng phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời, triển khai các chỉ đạo của Chi cục Thú y về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Theo đó, hiện tại Trạm Thú y huyện đã cấp gần 220 lít thuốc sát trùng và đang triển khai thực hiện phun tiêu độc khử trùng tập trung ở 8/11 xã. Trong đó chú trọng ở 5 xã giáp biên, gồm: Cao Lâu, Xuất Lễ, Bảo Lâm, Thanh Lòa, thị trấn Đồng Đăng và các xã có nguy cơ cao – có chợ buôn bán gia cầm gồm: Hợp Thành, Gia Cát, Tân Liên, Tân Thành và thị trấn Cao Lộc. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1 từ nay đến hết tháng 4/2017. Đặc biệt, để phòng dịch cúm gia cầm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn, trạm đã quán triệt chỉ đạo thực hiện các biện pháp. Trong đó, chỉ đạo thú y viên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ từng địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch; tích cực tuyên truyền cho người dân, nhất là người dân các xã giáp biên không buôn bán, vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam; phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại chợ Đồng Đăng;…
Hiện trên địa bàn huyện Cao Lộc có 12 nghìn con trâu, bò; gần 23 nghìn con lợn; gần 166 nghìn con gia cầm; hơn 1 nghìn con dê. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kế hoạch phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh; phòng chống cúm gia cầm;… Trong đó nêu rõ, việc tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Với sự chủ động các biện pháp trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thời gian qua dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan thành dịch, không xảy ra các bệnh nguy hiểm như: bệnh tai xanh ở lợn; lở mồm long móng ở trâu, bò; cúm gia cầm. Thời gian tới, huyện Cao Lộc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt phòng chống cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhiễm vào địa bàn.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()