Thứ 7, 23/11/2024 07:54 [(GMT +7)]
Cao Lộc- các giải pháp trong công tác phổ cập
Thứ 2, 04/04/2011 | 10:41:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm 2005, huyện Cao Lộc mới có 7/23 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH) đúng độ tuổi và 12 xã, thị trấn được công nhận phổ cập THCS. Các xã vùng cao, vùng biên giới có tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học rất cao; đặc biệt, một bộ phận công dân từ 15-18 tuổi không đi học bậc THCS. Đây là vấn đề khiến cho chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn rất thấp và cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ phát triển KT-XH ở địa phương.
Lớp ghép ở phân trường xã Mẫu Sơn mà học sinh lớp 1 chỉ có 1 em |
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GD, huy động trẻ tới trường
Tại các điểm trường lẻ ở các xã Công Sơn, Mẫu Sơn…không hiếm gặp các lớp ghép 2- 3 trình độ, mà “sĩ số” mỗi trình độ chỉ có 1 vài học sinh. Đây chính là nét riêng biệt của giáo dục vùng cao nói chung và Cao Lộc nói riêng và là kết quả cụ thể của công tác vận động các gia đình đưa học sinh tới lớp. Trong 5 năm qua (2006-2010), Ban chỉ đạo cấp huyện đã khâu nối trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân và các đoàn thể khác để tuyên truyền vận động đưa học sinh tới trường. Sự vận động đã “cộng hưởng” với việc thực thi các chính sách cho đối tượng học sinh nghèo, học sinh là con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn và sự giúp đỡ trực tiếp của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân về CSVC để tăng thêm điều kiện cho việc giữ vững và nâng cao chất lượng..
Trong 5 năm qua, nhân dân đã đóng góp trên 27.600 ngày công cho tu sửa trường lớp học; các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã đóng góp trên 7,8 tỷ đồng cho giáo dục. Bên cạnh đó, người dân đã hiến trên 10.000m2 đất; các doanh nghiệp, tổ chức đóng góp giúp đỡ các nhà trường tu sửa, xây mới, bê tông hóa sân trường, khuôn viên là 335 tấn xi măng, 546 m3 đá sỏi, trên 35 ngàn viên gạch. Riêng trong năm 2010, Huyện đoàn Cao Lộc đã ủng hộ xây nhà bán trú dân nuôi được 43 triệu đồng.
Do sớm có quy hoạch mạng lưới GD trên địa bàn giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020 và 2025, nên các dự án, đặc biệt là dự án dành cho tiểu học vùng khó khăn và dự án kiên cố hóa đã phát huy tác dụng, cải thiện nhanh điều kiện vật chất, thu hút trẻ tới trường.
Mô hình “nội trú dân nuôi” có hiệu quả
Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ đã “khơi nguồn” cho ý tưởng xây dựng mô hình nội trú dân nuôi tại 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn. Theo đó, những công trình xây dựng được mọc lên, các cơ quan, đoàn thể ủng hộ các phương tiện và dụng cụ sinh hoạt cho nội trú; ngoài số tiền được hưởng theo Quyết định 112, gia đình học sinh, Huyện ủy, UBND huyện hỗ trợ lương thực…góp phần đảm bảo duy trì công tác nuôi học sinh. Sau 2 năm thực hiện, mô hình này đã thể hiện tính ưu việt đặc biệt của nó. Số học sinh bỏ học giảm hẳn, điều kiện nuôi và dạy tốt hơn; giảm lớp ghép, học sinh dân tộc do có điều kiện giao lưu tiếp xúc nhiều hơn nên nhanh chóng hòa nhập. Đây là điều kiện trực tiếp để 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.
Kết quả của sự cộng đồng trách nhiệm
Với sự đồng bộ của các ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân và các chính sách hỗ trợ cho GD, năm 2010, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 trên địa bàn Cao Lộc đã đạt 99,40%; công tác duy trì sĩ số, chống lưu ban bỏ học đã được thực hiện tốt, nên hiệu quả đào tạo được nâng lên qua từng năm, và đến năm 2010 đã có 97,25% số trẻ trong độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình tiểu học, trong đó có 88,8% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Sau bậc tiểu học, công tác vận động trẻ vào lớp 6 luôn đạt cao. Cùng với việc nâng cao chất lượng, duy trì sĩ số, nâng cao hiệu quả đào tạo bậc THCS hệ chính quy, nhiều lớp bổ túc đã được duy trì. Vì vậy, năm 2010, tất cả 23/23 xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập bậc THCS.
Thanh thiếu niên và người trong độ tuổi lao động có kiến thức, chất lượng lao động đang được nâng lên, và cũng vì vậy, nhân dân các dân tộc có điều kiện đưa các dịch vụ xã hội vào đời sống; đặc biệt là áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()