Cao Lộc - 115 năm xây dựng và phát triển
– Cuối thế kỷ XIX, thời Pháp thuộc, Cao Lộc đã trải qua nhiều giai đoạn chia, tách, sáp nhập. Các châu, phủ, tổng, xã liên tục có sự thay đổi về tên gọi, cơ cấu các địa hạt và các đơn vị hành chính. Ngày 31/12/1907, Châu Cao Lộc được chính quyền Pháp ở Bắc Kỳ ấn định cùng với các Châu Lộc Bình, Văn Uyên, Ôn Châu và Bằng Mạc.
Mặc dù chính thức được đặt tên, thành lập đơn vị hành chính trong khoảng đầu thế kỷ XX, nhưng vùng đất, con người huyện Cao Lộc đã có lịch sử lâu đời, nằm trong dòng chảy và gắn bó chặt chẽ với lịch sử tỉnh Lạng Sơn. Các nhà khảo cổ phát hiện, tìm thấy ở hang Phia Điểm (xã Yên Trạch), hang Tu Lầm (xã Bình Trung) những di vật: đồ đá, đồ gốm, xương răng động vật và di cốt người… thuộc văn hóa Mai Pha. Điều đó có thể khẳng định, từ thời kỳ tiền- sơ sử, con người đã tới địa bàn huyện Cao Lộc cư trú.
Lãnh đạo huyện Cao Lộc tham quan triển lãm thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Ảnh: Thanh Huyền
Trong quá trình hình thành và phát triển, với địa hình ¾ là đồi núi, khe dọc, địa hình chia cắt mạnh, đất canh tác ít, khí hậu tương đối khắc nghiệt vào mùa đông, từ bao đời nay cư dân Cao Lộc đã hun đúc cho mình tinh thần quả cảm, ý chí đấu tranh chế ngự thiên nhiên, tiễu phỉ trừ gian, cần cù lao động, sản xuất dựng xây quê hương, làng bản. Trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất nơi đây từng in đậm những dấu tích về quá khứ oai hùng của dân tộc. Những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt của cha ông vẫn còn in dấu, bia Thủy Môn Đình do Đô đốc Thao Quận Công Nguyễn Đình Lộc, năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông khắc ghi và dựng tại Đồng Đăng đã trở thành Bảo vật quốc gia. Điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Trong văn bia có câu: “Việt Nam hầu thiệt, Trấn Bắc ải quan” (Có nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc).
Từ khi có Đảng lãnh đạo, lịch sử hào hùng Cao Lộc lại được tiếp nối với những chiến công trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của Lạng Sơn đã được thành lập tại thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp lãnh đạo, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng tại Lạng Sơn, làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn – cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Với truyền thống yêu nước, tinh thần anh dũng kiên cường, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng sơn, ngày 18/3/1946 Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cao Lộc được thành lập tại Hang Tồng, làng Đông Nọi, xã Hòa Cư với 7 đảng viên. Đây là sự kiện lịch sử, ghi dấu bước trưởng thành vững mạnh trong phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc. Từ đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, truyền thống đấu tranh yêu nước của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Trải qua các thời kỳ kháng chiến, những địa danh trên địa bàn huyện Cao Lộc tiếp tục đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như Khu du kích Ba Sơn ( thời kỳ chống thực dân Pháp); Ga liên vận Quốc tế Đồng Đăng – “Cảng nổi” kiên cường (thời kỳ chống đế quốc Mỹ); Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc)… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Cao Lộc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; nhiều tập thể, cá nhân, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang được tặng thưởng huân, huy chương và các danh hiệu cao quý.
Là một huyện miền núi, biên giới, với điểm xuất phát kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, trình độ dân trí không đồng đều, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện Cao Lộc luôn xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển, bảo đảm xây dựng quốc phòng vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, mỗi thời kỳ đại hội, Đảng bộ huyện luôn bám sát yêu cầu thực tiễn, đề ra chiến lược, phương hướng, mục tiêu cụ thể để tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân huyện Cao Lộc đã đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn thách thức, chung tay góp sức, xây dựng quê hương từng ngày khởi sắc.
Người dân thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân tại Bộ phận “một cửa” của UBND huyện Cao Lộc. Ảnh : Hoàng Hiếu
Cao Lộc từ một huyện nghèo, khó khăn đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Cao Lộc đã phát huy truyền thống, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 57,06%; thương mại, dịch vụ chiếm hơn 24,49%; sản xuất nông nghiệp từ phương thức tự cung tự cấp từng bước chuyển sang sản xuất tập trung và sản xuất hàng hóa; tiềm năng đất đai, tài nguyên được phát huy có hiệu quả; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai áp dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt với cách làm sáng tạo, hiệu quả, Nhân dân chung sức đồng lòng. Đến nay toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hải Yến đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã cứng hóa đạt 98,27%; 100% các xã, thị trấn đều được phủ sóng truyền hình, điện thoại di động, truy cập internet, 20/22 xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa… Huyện đã tập trung tiềm lực để khai thác lợi thế biên giới và kinh tế cửa khẩu, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, do đó, các hoạt động trao đổi thương mai, dịch vụ, du lịch cửa khẩu biên giới và xuất, nhập khẩu qua địa bàn ngày càng sôi động, hiện trên địa bàn có hơn 490 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp đang hoạt động.
Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu; hàng năm, có trên 70% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; các tập tục lạc hậu được đẩy lùi, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Tiềm năng du lịch được quan tâm khai thác, đến nay, huyện đã có 6 di tích, danh thắng được công nhận là di tích, danh thắng cấp tỉnh. Giáo dục – đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, trên địa bàn huyện đã có 27 trường học đạt chuẩn Quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục ngày càng được giữ vững và nâng cao về chất lượng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hằng năm đạt trên 98%. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân có nhiều tiến bộ, đến nay, đã có 19/22 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội luôn được huyện đặc biệt quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, đến nay còn 8,38%
Là huyện biên giới có 2 cửa khẩu quốc tế, công tác đối ngoại được huyện đặc biệt quan tâm, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền mỗi nước, những năm qua, Cao Lộc đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội đàm nhằm tăng cường hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng – an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được củng cố vững chắc; phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Đảng bộ luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân. Hiện nay, tất cả các thôn, bản, khối phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều có tổ chức đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ một chi bộ thành lập năm 1946 với 7 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện có trên 5.700 đảng viên, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, huyện Cao Lộc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và bằng khen. Những thành quả đạt được trong những năm qua là tiền đề quan trọng, là niềm vinh dự tự hào, khẳng định thế và lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lộc vững bước đi lên.
Trải qua 115 năm xây dựng, phát triển và hội nhập. Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu mới về khoa học – xã hội, khoa học – công nghệ, khoa học quản lý để vận dụng sáng tạo vào thời kỳ mới. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc phấn đấu xây dựng quê hương trở thành huyện giàu mạnh, văn minh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN DUY ANH (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc)
Ý kiến ()